bố thí

Phật Quang Đại Từ Điển

(布施) Phạm: Pàli: Dàna. Dịch âm: Đàn na, Đà na, Đàn. Cũng gọi Thí. Hoặc là dịch từ tiếng Phạmdakwiịà, dịch âm: Đạt sấn, Đại sấn, Sấn. Dịch ý là tài thí, thí tụng, sấn thí. Nghĩa là vì lòng từ bi đem phúc lợi ban cho người. Bố thí vốn là pháp mà đức Phật khuyên hàng ưu bà tắc làm theo; nghĩa chính của nó là đem những vật như cơm ăn, áo mặc cho các bậc đại đức và những người nghèo khổ. Đến thời Đại thừa thì Bố thí là một trong sáu ba la mật và, ngoài việc ban phát của cải, thức ăn uống ra, còn thêm hai thứ bố thí nữa là Pháp thí (nói Pháp cho người nghe) và Vô úy thí (làm cho người khác không sợ hãi) để mở rộng ý nghĩa và phạm vi bố thí. Tóm lại, Bố thí là một phương pháp tu hành đem tài vật, thể lực, trí tuệ v.v… cho người khác, vì người mà tích lũy công đức, tạo phúc thành trí, để cuối cùng được giải thoát. Đại thừa nghĩa chương quyển 12 giải thích nghĩa bố thí như sau: Đem tài vật của mình chia xẻ cho người khác, gọi là Bố. Lòng mình lo lắng cho người, gọi là Thí. Tiểu thừa bố thí nhằm mục đích diệt trừ lòng tham lam bỏn xẻn của cá nhân để thoát khỏi sự nghèo khổ của kiếp sau, Đại thừa thì liên kết bố thí với giáo nghĩa đại từ bi nhằm siêu độ chúng sinh. Người bố thí tài vật gọi là Đàn việt (Phạm: dànapati, hàm ý chủ của sự bố thí, dịch ý là Thí chủ, Đàn na chủ, nói tắt là Đàn na). Tài vật để bố thí gọi là Sấn tư ..Sấn tài, Sấn kim, Sấn tiền, Đường sấn (ý là tài vật bố thí cho chư tăng của nhà Tăng), Biểu sấn (ý là phân chia tài vật), Tín thí (ý là tài vật do tín đồ bố thí). Bố thí là một trong sáu niệm (niệm thí), một trong bốn nhiếp pháp (Bố thí nhiếp), một trong sáu Ba la mật (Bố thí ba la mật), một trong mười ba la mật (Đàn ba la mật). Bố thí có thể khiến người ta trừ bỏ lòng tham, như bố thí những thứ áo mặc, cơm ăn cho Phật, tăng và người nghèo khổ, chắc chắn sẽ được quả báo hạnh phúc. Còn giảng nói chính pháp cho người nghe, khiến họ được công đức lợi ích, gọi là Pháp thí. Làm cho người khác thoát khỏi mọi sự sợ hãi, gọi là Vô úy thí. Tài thí, Pháp thí và Vô úy thí là ba hạnh của Bồ tát thực hành, trong đó, công đức của Pháp thí lớn hơn cả. Bố thí nhằm diệt trừ lòng tham và mong cầu khai ngộ là bố thí trong sạch; ngược lại là bố thí không trong sạch. Về pháp thí, nếu nói pháp khuyên người ta cầu sinh ở cõi người cõi trời, gọi là Thế gian pháp thí. Còn giáo pháp (37 phẩm trợ đạo và 3 giải thoát môn) khuyên người thành Phật, gọi là xuất thế gian pháp thí. Ngoài ra, về sự khác nhau giữa Bố thí và Bố thí ba la mật, cứ theo kinh Ưu bà tắc giới quyển 2 chép, thì Bố thí của Thanh văn, Duyên giác, phàm phu, ngoại đạo và Bố thí của Bồ tát ở hai a tăng kì kiếp đầu thực hành gọi là Thí; còn Bố thí của Bồ tát ở a tăng kì kiếp thứ ba thì gọi là Thí ba la mật. Cứ theo phẩm Tựa trong kinh Bồ tát thiện giới quyển 1 nói, thì Bồ tát tại gia thực hành Tài thí và Pháp thí; Bồ tát xuất gia làm bốn pháp thí: Bút thí, Mặc (mực) thí, Kinh thí, và Thuyết pháp thí. Còn Bồ tát được vô sinh pháp nhẫn thì thực hành ba pháp thí: Cụ túc thí, Đại thí và Vô thượng thí. Luận Câu xá quyển 18 nêu ra tám loại bố thí: Đến đâu cho đó, cho sự can đảm, cho để đền ơn, cho cầu báo, cho vì theo thói quen của người trước, cho để cầu mong sinh cõi trời, cho để cầu danh, vì trang nghiêm tâm mà cho v.v… Cũng quyển 18 của sách đã dẫn còn nêu bảy thứ bố thí: cho người khách, cho người đi đường, cho người bệnh, cho người săn sóc bệnh nhân, cho vườn rừng, cho ăn thường, cho tùy lúc v.v… Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) quyển 12 phẩm Vô tận tạng thì nêu mười pháp bố thí: tu tập thí, tối hậu nan thí (tức cho cả thân mệnh), nội thí, ngoại thí, nội ngoại thí, nhất thiết thí, quá khứ thí, vị lai thí, hiện tại thí, và cứu kính thí v.v… Vì nội dung, thái độ và mục đích khác nhau của hành vi bố thí nói ở trên nên có những hình thức bố thí không giống nhau. Lại nữa, bản chất người cho, người nhận và vật để cho là không, không bị dính mắc, gọi là Tam luân thể không, Tam luân thanh tịnh. [X.Trung a hàm Q.30 kinh Phúc điền; kinh Tăng nhất a hàm Q.4, Q.9. Q.20; kinh Đại bát nhã ba la mật Q.469, Q.569; kinh Bồ tát địa trì Q.4; kinh Bố thí; luận Đại trí độ Q.14, Q.29; luận Du già sư địa Q.39]. (xt. Đật Sấn).