Bồ Tát

Từ Điển Đạo Uyển

菩薩; viết tắt của danh từ dịch âm Bồ-đề Tát-đoá (菩薩薩埵; s:
bodhisattva; p: bodhisatta); nguyên nghĩa là “Giác hữu tình” (覺有情), cũng
được dịch nghĩa là Ðại sĩ (大士);

Trong Ðại thừa, Bồ Tát là hành giả sau khi hành trì Ba-la-mật-đa (s:
pāramitā; Lục độ) đã đạt Phật quả, nhưng nguyện không nhập Niết-bàn, khi
chúng sinh chưa giác ngộ. Yếu tố cơ bản của Bồ Tát là lòng Bi (s, p:
karuṇā), đi song song với Trí huệ (s: pra-jñā) Chư Bồ Tát thường cứu độ
chúng sinh và sẵn sàng thụ lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh cũng
như hồi hướng phúc đức mình cho kẻ khác. Con đường tu học của Bồ Tát bắt
đầu bằng luyện tâm Bồ-đề (s: bodhicitta) và giữ Bồ-tát hạnh nguyện (s:
praṇidhāna). Hành trình tu học của Bồ Tát được chia làm mười giai đoạn,
Thập địa (s: daśabhūmi). Hình ảnh Bồ tát của Ðại thừa tương tự như
A-la-hán (s: arhat) của Tiểu thừa, trong đó A-la-hán tập trung vào sự
giải thoát cho chính mình.

Thật sự thì khái niệm Bồ Tát đã được tìm thấy trong các kinh Tiểu thừa,
nhất là khi nói về các tiền thân đức Phật Thích-ca (Bản sinh kinh).
Trong Ðại thừa, khi nói đến Bồ Tát, người ta xem đó là tiền thân của các
vị Phật tương lai. Ðại thừa chia làm hai hạng Bồ Tát: Bồ Tát đang sống
trên trái đất và Bồ Tát siêu việt (e: trans-cendent). Các vị đang sống
trên trái đất là những người đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng
về Phật quả. Các vị Bồ Tát siêu việt là người đã đạt các hạnh Ba-la-mật
và Phật quả – nhưng chưa nhập Niết-bàn. Ðó là các vị đã đạt Nhất thiết
trí, không còn ở trong Luân hồi, xuất hiện trong thế gian dưới nhiều
dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Ðó là các vị được Phật tử tôn thờ
và đỉnh lễ, quan trọng nhất là các vị Quán Thế Âm (觀世音; s:
avalokiteśvara), Văn-thù (文殊; s: mañjuśrī), Ðịa Tạng (地藏; s:
kṣitigarbha), Ðại Thế Chí (大勢至; s: mahāsthā-maprāpta) và Phổ Hiền (普賢;
s: sa-mantabhadra).