bồ tát thiện giới kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩薩善戒經) I. Bồ tát thiện giới kinh, 9 quyển, ngài Cầu na bạt ma (367- 431) dịch vào đời Lưu Tống. Cũng gọi Bồ tát địa thiện giới kinh, Thiện giới kinh, thu vào Đại chính tạng tập 30. Nội dung kinh này chia làm 30 phẩm, trình bày về chủng tính, phát tâm, tu hành, đắc quả, bản hữu chủng tử, tân huân chủng tử v.v… của Bồ tát. Mười vị luận sư lớn của Duy thức dựa vào sự giải thích của văn kinh này mà bàn về chủng tử bản hữu (vốn có sẵn) và tân huân (mới được xông ướp). Lại Du già sư địa luận lược toản quyển 9 đến quyển 12 của ngài Khuy cơ và Du già luận kí quyển 16 đến quyển 24 của ngài Độn luân đều là những tư liệu trọng yếu cho việc nghiên cứu kinh này. Kinh này và kinh Bồ tát địa trí là cùng bản và khác dịch, cả hai đều được sao trích ra từ Bồ tát địa trong luận Du già sư địa rồi chỉnh lí thêm mà thành thể tài của kinh. Nhưng nội dung có hơi khác, vì thế có thuyết bảo hai kinh này là hai bản khác nhau. II. Bồ tát thiện giới kinh, 1quyển, ngài Cầu na bạt ma đời Lưu Tống dịch. Cũng gọi Thiện giới kinh, Bồ tát địa thiện giới kinh, Ưu ba li vấn bồ tát thụ giới pháp. Thu vào Đại chính tạng tập 30. Nội dung kinh này nói rõ về tác pháp và tâm đắc của việc thụ giới Bồ tát, bảo rằng người muốn thụ giới Bồ tát thì trước hết phải thụ đầy đủ các giới ưu bà tắc, sa di và tỉ khưu, đồng thời giải thích rõ ràng 10 giới nặng của kinh Phạm võng và 10 giới nặng của kinh Anh lạc.Lại kinh Bồ tát thiện giới bản 9 quyển cũng như bản 1 quyển đều là được sao chép ra từ Bồ tát địa của luận Du già sư địa rồi sửa chữa thêm mà thành là thể tài riêng của kinh. Và bản 9 quyển bao gồm phần Tựa, phần Chính tông, phần Lưu thông, trong khi bản 1 quyển thì chỉ có phần Chính tông mà thôi. Cứ theo sự khảo chứng thì nội dung của bản 1 quyển nên được sáp nhập vào giữa quyển 4 quyển 5 của bản 9 quyển. [X. Xuất tam tạng kí tập Q.2; Lịch đại tam bảo kỉ Q.3; Khai nguyên thích giáo lục Q.5; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.7]. (xt. Bồ Tát Địa Trì Kinh).