bồ tát thập thí

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩薩十施) Trong kinh Hoa nghiêm quyển 21 phẩm Thập vô tận tạng có nói, Bồ tát vì lòng từ bi mà làm mười việc bố thí như sau: 1. Phân giảm thí (chia bớt để cho), nghĩa là Bồ tát có lòng nhân từ, thích làm việc bố thí, đem thức ăn ngon của mình trước chia bớt cho chúng sinh rồi sau mới ăn, lại nguyện cho tám vạn hộ trùng (các loại vi trùng) trong thân mình cũng được đủ no. 2. Kiệt tận thí (cho hết tất cả), nghĩa là Bồ tát đem hết thức ăn ngon, áo mặc đẹp và những thứ cần thiết cho cuộc sống, hễ có cái gì đem cho hết tất cả, ngay đến thân mệnh cũng không sẻn tiếc. 3. Nội thí (cho trong), nghĩa là Bồ tát tuổi còn trẻ khỏe, hình tướng đẹp đẽ, ở ngôi Chuyển luân vương, đầy đủ bảy thứ quí báu, làm vua bốn thiên hạ, nhưng vì cứu giúp chúng sinh, cho cả thân mệnh mà không hối tiếc. 4. Ngoại thí (cho ngoài), nghĩa là Bồ tát đem bảy thứ quí báu đẹp đẽ bố thí cho chúng sinh. 5. Nội ngoại thí, nghĩa là Bồ tát đem ngôi vua bố thí cho chúng sinh, đồng thời làm bầy tôi cung kính phục dịch chúng sinh mà không ân hận. 6. Nhất thiết thí (cho tất cả), nghĩa là Bồ tát thương xót chúng sinh, tùy theo chỗ họ mong cầu mà đem tất cả những gì mình có như đất nước, vợ con, tay chân, gan óc v.v… cho hết, không hối tiếc. 7. Quá khứ thí, nghĩa là Bồ tát đối với tất cả pháp và công đức của chư Phật quá khứ không tham đắm, nhưng vì giáo hóa chúng sinh chấp trước để thành thục Phật pháp, nên giảng nói các pháp trọng yếu. 8. Vị lai thí, nghĩa là Bồ tát quán xét các pháp vị lai đều không thể được, nhưng vì nhiếp hóa chúng sinh, nên thường siêng năng tu hành. 9. Hiện tại thí, nghĩa là Bồ tát đối với công đức của các cõi trời lòng không tham đắm, chỉ mong cho chúng sinh lìa bỏ các đường ác, tu đạo thành phật. 10. Cứu kính thí, nghĩa là Bồ tát từ bi bố thí hết cho tất cả chúng sinh, dù có trải qua nhiều kiếp thì cũng không hối tiếc, chỉ một lòng mong cầu thành tựu trí thân thanh tịnh.