bồ tát giới

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩薩戒) Là giới luật của Bồ tát Đại thừa nhận giữ. Cũng gọi Đại thừa giới, Phật tính giới, Phương đẳng giới, Thiên Phật đại giới. Đối lại với Tiểu thừa thanh văn giới. Nội dung của giới Bồ tát là Tam tụ tịnh giới (ba nhóm giới trong sạch); đó là: Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới và Nhiêu ích hữu tình giới. Cũng tức là thu tóm hết thảy Phật pháp vào ba môn lớn là: Giữ gìn luật nghi, Tu các pháp lành, Cứu độ chúng sinh, và lấy đó làm giới cấm để tuân thủ. Có rất nhiều kinh sách Đại thừa nói về Bồ tát, nhưng có thể tổng hợp làm hai loại sách luật là Phạm võng và Du già. Bồ tát giới bản được lấy ra từ phẩm Luật tạng của kinh Phạm võng gồm có 10 giới nặng, 48 giới nhẹ, bất luận là người xuất gia hay người tại gia đều có thể nhận giữ. Còn giới bản được trích ra từ luận Du già sư địa quyển 40, quyển 41 thì lấy Tam tụ tịnh giới, Tứ chủng tha thắng xứ pháp làm nền tảng. Trước phải nhận giới của bảy chúng Tiểu thừa trong thời gian dài, nếu người nào không vi phạm thì mới được nhận giữ giới Bồ tát. Đời xưa lấy giới Bồ tát trong kinh Du già sư địa làm chính, nhưng ngày nay thì giới Bồ tát trong kinh Phạm võng lại thịnh hành. Giới Viên đốn của tông Thiên thai tức là giới trong kinh Phạm võng. Cứ theo kinh Phạm võng quyển hạ chép, thì nhận giữ giới Bồ tát được năm lợi ích: 1. Được chư Phật ở mười phương thương nhớ, che chở. 2. Khi sắp chết được chính kiến, tâm vui mừng. 3. Sinh ở nơi nào đều được làm bạn với các Bồ tát. 4. Chứa góp nhiều công đức, thành tựu giới ba la mật. 5. Đời này đời sau, tính giới phúc tuệ tròn đầy. Giới Bồ tát là Ba la đề mộc xoa (giới biệt giải thoát) nằm ngoài giới của bảy chúng (Ưu bà tắc, Ưu ba di, sa di, sa di ni, thức xoa ma ni, tỉ khưu, tỉ khưu ni). Người nhận giữ giới Bồ tát có thể ở trong bảy chúng, mà cũng có thể ở ngoài bảy chúng, chỗ tôn quí của giới Bồ tát là vượt lên trên và bao trùm tất cả giới. Kinh Phạm võng nói giới Bồ tát là nguồn gốc của chư Phật, là cội rễ của Bồ tát và Phật tử. Tính chất của giới Bồ tát tương tự như tám giới (tám giới quan trai); tám giới cũng là một loại giới Biệt giải thoát nằm ngoài giới của bảy chúng. Nhưng, vì trong giới Bồ tát có một vài giới tương tự như giới Bát quan trai, nên là Đốn lập giới, lại cũng có một số giới không giống giới Bát quan trai mà tương tự như Tiệm thứ giới của giới bảy chúng, cho nên giới Bồ tát có thể được chia làm hai loại: 1. Đốn lập: có thể nhận ngay giới Bồ tát. 2. Tiệm thứ: trước phải nhận ba qui y, năm giới v.v… rồi sau mới nhận giới Bồ tát. Trong tạng kinh Hán dịch, có sáu loại Bồ tát giới bản hoặc Bồ tát giới kinh rất được coi trọng là: kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp, Phạm võng kinh Bồ tát giới bản, Du già sư địa luận bồ tát giới bản, Bồ tát địa trì kinh giới bản, Bồ tát thiện giới kinh giới bản và Ưu bà tắc giới kinh giới bản. Nếu sáu thứ trên đây được chia theo hai loại đốn và tiệm, thì Anh lạc và Phạm võng thuộc về Đốn lập, còn các giới kinh Du già, Địa trì, Thiện giới, Ưu bà tắc v.v… thuộc Tiệm thứ. Giới Bồ tát bắt đầu được truyền bá ở Trung quốc do ngài Cưu ma la thập (344 – 413). Trong các bản chép tay tìm thấy ở Đôn hoàng có Thụ bồ tát giới nghi quĩ 1 quyển do ngài soạn. Còn người đầu tiên làm phép thụ giới là ngài Đàm vô sấm (358 – 433) khi ngài trao giới Bồ tát cho nhóm các sư Đạo tiến v.v… gồm hơn mười người ở Cô tang (tỉnh Cam túc, huyện Vũ uy). Đến đời Lương, đời Trần thuộc Nam triều, phong trào thụ giới Bồ tát khá thịnh hành, như Lương vũ đế, Trần văn đế đều nhận giới Bồ tát. Lương vũ đế từng lập đàn giới, thỉnh ngài Tuệ siêu trao giới Bồ tát. Lại năm Thiên giám 18 (519), nhà vua tự phát nguyện rồi theo ngài Tuệ ước nhận giới Bồ tát ở điện Đẳng giác. Thái tử, Công khanh, xuất gia, tại gia v.v… xin thụ giới Bồ tát rất đông, có tới 84.000 người. Cũng có thuyết nói Lương vũ đế nhận giới Bồ tát nơi ngài Trí tạng. Đến đời Tùy, vua Văn đế nhận giới Bồ tát nơi ngài Trí khải, đều xưng là Bồ tát giới đệ tử. Cứ đó mà suy, có thể biết phong trào thụ giới Bồ tát tại Trung quốc vào thời ấy đã thịnh hành đến mức nào. [X. kinh Bồ tát anh lạc bản nghiệp Q.hạ; kinh Bồ tát thiện giới Q.4; kinh Bồ tát thiện giới (1quyển); kinh Ưu bà tắc giới Q.3; Bồ tát giới bản; Thụ bồ tát giới nghi (Trạm nhiên); luận Đại trí độ Q.46; Phạm võng kinh bồ tát giới bản sớ Q.1; Tứ phần luật hành sự soa tư trì kí Q.thượng; Bát tông cương yếu Q.thượng; Tục cao tăng truyện Q.5; Trí tạng truyện Q.6; Tuệ siêu truyện, Tuệ ước truyện; Quảng hoằng minh tập Q.22]. (xt. Tam Tụ Tịnh Giới, Giới, Truyền Giới, Viên Đốn Giới).