bồ tát anh lạc bản nghiệp kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩薩瓔珞本業經) Kinh, 2 quyển, ngài Trúc phật niệm dịch vào năm Kiến nguyên 12 đến 14 (376-378) đời Diêu Tần. Cũng gọi Bồ tát anh lạc kinh, Anh lạc bản nghiệp kinh, hoặc gọi tắt Anh lạc kinh, Bản nghiệp kinh, thu vào Đại chính tạng tập 24. Nội dung nói về các giai vị tu nhân và ba tụ tịnh giới của Bồ tát. Anh lạc bản nghiệp là tiếng dùng trong hệ thống hoa nghiêm, vì thế kinh này có rất nhiều chỗ hợp nhau với giáo tướng Hoa nghiêm. Kinh này lập 52 giai vị tu hành của Bồ tát gồm: Thập tín, Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng, Thập địa, Vô cấu địa và Diệu giác v.v…… Toàn bộ kinh chia làm 8 phẩm: Tập chúng phẩm, Hiền thánh danh tự phẩm, Hiền thánh học quán phẩm, Thích nghĩa phẩm, Phật mẫu phẩm, Nhân quả phẩm, Đại chúng thụ học phẩm, Tập tán phẩm, để trình bảy rõ các giai vị và sự tu hành của Bồ tát. Phẩm đại chúng thụ học nói về Tam tụ tịnh giới, lấy tám vạn bốn nghìn pháp môn làm Nhiếp thiện pháp giới; lấy bốn tâm vô lượng từ bi hỉ xả làm Nhiếp chúng sinh giới; lấy mười ba la di làm Nhiếp luật nghi giới (Mười ba la di trong kinh này cũng giống với mười giới nặng của kinh Phạm võng). Kinh này chịu ảnh hưởng kinh Phạm võng rất sâu, nội dung Tam tụ tịnh giới đều thuộc về giới Đại thừa. Đặc điểm ở đây là giới Bồ tát có nhận pháp mà không bỏ pháp, một khi đã được giới thì vĩnh viễn không mất; cho dù có phạm giới ba la di cũng không mất giới thể. Và chủ trương giới lấy tâm làm thể. Khảo xét về kinh này thì ở Ấn độ không thấy căn cứ sử thực. Còn ở Trung quốc, từ Pháp kinh lục trở đi, các kinh lục phổ thông đều ghi do ngài Trúc phật niệm dịch vào đời Diêu Tần, nhưng trong phần dịch kinh của Xuất tam tạng kí tập thì không có tên kinh này, và nó được xếp vào Thất dịch tạp kinh lục (phần ghi chép những kinh mất tên người dịch). Lịch đại tam bảo kỉ thì nói kinh này ngoài bản dịch của ngài Trúc phật niệm ra, còn có bản dịch của ngài Trí nghiêm đời Tống nữa. Thời gần đây, đã có học giả căn cứ vào sự không xác định được người dịch và do xem xét phần nội dung, mà cho rằng kinh này đã được soạn ra ở Trung quốc. [X. Bồ tát giới kinh nghĩa sớ Q.thượng; Phạm võng bồ tát giới bản sớ Q.1; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.3; Đại đường nội điển lục Q.3; Khai nguyên thích giáo lục Q.4, Q.5, Q.12].