bộ phái phật giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(部派佛教) Từ ngữ gọi chung các phái được phân chia ra từ trong giáo đoàn của Phật giáo nguyên thủy. A. Sự thành lập Bộ phái Phật giáo: Cứ theo luận Đại tì bà sa và luận Dị bộ tông luân chép, thì sau đức Phật nhập diệt hơn 100 năm, vị tỉ khưu Đại thiên đưa ra năm việc (Đại thiên ngũ sự ), yêu cầu giáo đoàn thừa nhận. Đây là nguyên nhân khiến giáo đoàn lần đầu tiên chia thành Thượng tọa bộ (phái phản đối năm việc) và Đại chúng bộ (phái tán thành). Nhưng cứ theo Đại sử ……(Pàli: Mahàvaôsa), Đảo sử ……(Pàli: Dìpavaôsa) của Phật giáo Nam truyền ghi chép, thì sau đức Phật nhập diệt 100 năm, có tỉ khưu thuộc chủng tộc Bạt kì ở đông bộ Ấn độ xưa đưa ra 10 điều giới luật mới (Thập sự). Chủ trương mới này bị các vị Trưởng lão tỉ khưu, đứng đầu là ngài Da xá, phản đối; sau đó, ngài Da xá triệu tập 700 tỉ khưu mở Đại hội kết tập, tuyên bố 10 điều giới luật mới là phi pháp; đồng thời, các tỉ khưu tán thành chủ trương mới cho mười điều ấy là đúng nên cũng tổ chức kết tập. Do đó mà giáo đoàn Phật giáo nguyên thủy chia thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ mà trong sử gọi là sự chia rẽ căn bản. Về sau, từ hai bộ căn bản này lại chia thành 20 bộ (theo thuyết chia phái của Bắc truyền) hoặc 18 phái (theo thuyết chia phái của Nam truyền, tức trừ Tây sơn trụ bộ và Bắc sơn trụ bộ), gọi là sự chia rẽ ngành ngọn). Như vậy, tóm lại, giáo đoàn Phật giáo nguyên thủy lần đầu tiên bị chia thành hai bộ căn bản là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ, rồi vầ sau, từ hai bộ căn bản này lại chia ra thành 20 bộ phái (theo Bắc truyền) hoặc 18 phái (theo Nam truyền). Cứ theo luận Dị bộ tông luân ghi chép, thì Phật giáo bộ phái gồm 20 bộ, tức là sau đức Phật nhập diệt khoảng 200 năm, từ Đại chúng bộ căn bản lại chia ra ba bộ phái nữa là: 1. Nhất thuyết bộ, chủ trương pháp thế gian, xuất thế gian chỉ là tên giả, không có thể thực. 2. Xuất thế bộ, cho rằng pháp thế gian chỉ có tên giả, pháp xuất thế gian thì đều là chân thực. 3. Kê dận bộ, chỉ hoằng dương tạng A tì đạt ma trong ba tạng, còn cho kinh, luật đều là giáo pháp phương tiện của đức Phật. Không bao lâu sau, từ Kê dận bộ lại chia ra hai bộ nữa là: 4. Đa văn bộ, vì sự học vấn của phái này vượt hơn Đại chúng bộ, nên gọi là Đa văn bộ (bộ phái nghe nhiều). 5. Thuyết giả bộ, chủ trương trong pháp thế gian và pháp xuất thế gian đều có phần ít là giả. Vào cuối thời kì 200 năm sau đức Phật nhập diệt, một vị tỉ khưu ngoại đạo bỏ tà về chính, ở núi Chế đa; chư tăng thuộc Đại chúng bộ phần nhiều ở núi này. Trong một dịp bàn thảo lại vấn đề năm việc của ngài Đại thiên, vì chủ trương bất đồng nên chư tăng ở núi Chế đa lại chia ra ba bộ nữa là: 6. Chế đa sơn bộ, bộ này vẫn ở lại núi Chế đa. 7. Tây sơn trụ bộ, bộ này dời đến ở phía tây núi Chế đa. 8. Bắc sơn trụ bộ, bộ này dời về phía bắc của núi Chế đa. Như vậy, Đại chúng bộ hợp cả gốc lẫn ngọn gồm có chín bộ phái. Sau khi hai bộ gốc (tức là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ) bị phân chia lần đầu tiên (100 năm sau Phật nhập diệt) thì Thượng tọa bộ dời đến ở tại vùng Hi mã lạp sơn (tức là núi Tuyết sơn). Đến khoảng 300 năm sau Phật nhập diệt, lại chia ra: 1. Thuyết nhất thiết hữu bộ, cũng gọi Thuyết nhân bộ, chủ trương tất cả pháp hữu vi, vô vi đều có thực thể. 2. Tuyết sơn bộ, tức là do Thượng tọa bộ gốc dời đến Hi mã lạp sơn (Tuyết sơn) nên bộ này lấy tên là Tuyết sơn. Không bao lâu sau, từ Thuyết nhất thiết hữu bộ lại chia ra: 3. Độc tử bộ, lấy A tì đạt ma do ngài Xá lợi phất soạn làm luận điểm căn bản, tương truyền Bộ chủ là dòng dõi con bê con, nên gọi là Độc tử bộ……… Về sau, do nội dung giáo nghĩa của Độc tử bộ nghèo nàn nên có chủ trương lấy nghĩa kinh để bổ túc thêm, nhưng do quan điểm bất đồng nên Độc tử bộ lại chia làm: 4. Pháp thượng bộ, Pháp thượng là tên của Bộ chủ. 5. Hiền trụ bộ, là dòng dõi của A la hán Hiền. 6. Chính lượng bộ, chủ trương pháp nghĩa sâu xa do mình nói ra đã được san định không còn sai lầm nữa. 7. Mật lâm sơn trụ bộ, Bộ chủ ở tại núi Mật lâm. Đồng thời, Thuyết nhất thiết hữu bộ lại chia ra: 8. Hóa địa bộ, 300 năm sau đức Phật nhập diệt, có người Bà la môn tên là Hóa địa, xuất gia được quả A la hán, đệ tử nối dõi, gọi là Hóa địa bộ. Rồi từ Hóa địa bộ lại chia ra: 9. Pháp tạng bộ, ngài Pháp tạng là đệ tử của tôn giả Mục kiền liên. Các sư của bộ này nói năm tạng: kinh, luật, a tì đạt ma, minh chú, Bồ tát bản hạnh sự. Vào cuối năm 300 sau Phật nhập diệt, từ Thuyết nhất thiết hữu bộ lại chia: 10. Ẩm quang bộ, cũng gọi Thiện tuế bộ. Ẩm quang tức là Ca diếp ba, là họ của Bộ chủ. Vào đầu năm 400 sau Phật nhập diệt, Thuyết nhất thiết hữu bộ lại chia ra: 11. Kinh lượng bộ, cũng gọi Thuyết chuyển bộ, chỉ nương vào kinh làm chính lượng, không dựa theo luật và đối pháp (luận), khi viện dẫn chứng cứ thì đều lấy kinh làm chứng. Như vậy, Thượng tọa bộ hợp cả gốc lẫn ngọn gồm 11 bộ phái, cộng với 9 bộ của Đại chúng bộ thành là 20 bộ phái. B. Giáo lí của Phật giáo Bộ phái: giáo lí của Phật giáo nguyên thủy, trong các kinh điển nguyên thủy (kinh A hàm), chưa có tổ chức, chưa được thống nhất. Đem các giáo thuyết do đức Phật giảng nói suốt cuộc đời Ngài được ghi chép trong kinh điển nguyên thủy ra mà thuyết minh, giải thích, chỉnh lí cả phần nội dung lẫn hình thức cho có hệ thống, phù hợp với tính cách học thuật nghiên cứu gọi là phương pháp nghiên cứu A tì đạt ma. Phương pháp nghiên cứu này về sau dần dần phát triển, đến khi Phật giáo sắp bị phân hóa thành các bộ phái, thì sự giải thích bất đồng về giáo lí đã trở thành nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ, vì thế, mỗi bộ phái đều tự tổ chức và giải thích giáo lí, viết ra các bộ luận về giáo lí của riêng mình, gọi là A tì đạt ma căn bản. Như bảy bộ luận của Phật giáo Nam truyền (Thượng tọa bộ phương Nam), bảy bộ luận Hán dịch của Thuyết nhất hữu bộ và luận A tì đàm của ngài Xá lợi phất thuộc Chính lượng bộ hệ đều là loại A tì đạt ma căn bản. Các bộ luận của mỗi bộ phái đều hiển bày đường lối phát triển giáo lí của riêng bộ phái đó. Các bộ luận ở thời kì đầu chỉ là những sách thuyết minh và giải thích cùng hệ thống hóa giáo lí trong kinh điển nguyên thủy, cho nên trong thời kì này các bộ luận có quan hệ mật thiết với kinh. Nhưng trong các bộ luận ở thời kì sau, mối quan hệ với kinh điển nguyên thủy đã mờ nhạt dần, để rồi cuối cùng, A tì đạt ma đã thành lập học thuyết riêng biệt, không dính dáng gì đến nguyên thủy. Gíáo lí Phật giáo nguyên thủy lấy thực tiễn làm lí luận nền tảng, luận thuyết nào không liên quan đến thực tiễn thì không tồn tại. Đây là dựa theo qui luật biến hóa của các pháp mà quan sát hiện tượng vũ trụ nhân sinh (duyên khởi phổ thông và duyên khởi lưu chuyển), ứng dụng qui luật để đạt thành lí tưởng (duyên khởi hoàn diệt). Nhưng các bộ luận của Phật giáo bộ phái của thời kì sau thì dùng phương pháp luận cứu tồn tại luận không dính dáng gì tới thực tiễn mà khảo sát về tính có, không, giả, thực của sự vật, điều này được coi là đã chịu ảnh hưởng của ngoại đạo. Khác với ngoại đạo, Phật giáo không lập thực thể tồn tại vĩnh viễn bất biến, mà Phật giáo quan sát hiện tượng tồn tại sinh diệt biến hóa. Thuyết nhất thiết hữu bộ chủ trương pháp thể hằng có trong ba đời, đây cũng khác với thực thể luận của ngoại đạo. Phật giáo bộ phái khi bàn về sự tồn tại của các pháp, đã đem các hiện tượng tồn tại biến hóa lập làm pháp hữu vi, tồn tại không biến hóa lập làm pháp vô vi. Tuy nhiên chủ trương pháp thể hằng có sau này đã bị Phật giáo Đại thừa bác bỏ, vì cho chủ trương này là một loại Hữu ngã thuyết, và Đại thừa đề xuất tưtưởng triệt để vô ngã (không). Trong thời Phật giáo bộ phái đã có các cuộc tranh luận về học thuyết và giáo lí giữa các bộ phái với nhau. Các vấn đề giáo lí được các bộ phái thảo luận gồm có: Phật đà luận, Tăng già luận, Bồ tát luận, Phàm phu luận, Tu đạo luận, Thiền định luận, Thánh quả luận, Sắc pháp luận, Bổ đặc già la luận v.v… Các văn hiến chỉnh lí và giới thiệu những vấn đề này, về phía Phật giáo Nam truyền thì có Luận sự (Pàli: Kathàvatthu) và chú thích của nó; về phía Phật giáo Bắc truyền thì có bản Hán dịch của các luận: Dị bộ tông luân, Đại tì bà sa, Câu xá, Thuận chính lí, Thành thực, và bản Tạng dịch: luận Dị bộ tông luân, Dị bộ tông tinh thích, Dị bộ thuyết tập v.v… [X. Đại thừa huyền luận Q.5; Dị bộ tông luân luận thuật kí; Tam luận huyền nghĩa; Cao tăng pháp hiển truyện]. (xt. Tiểu Thừa Nhị Thập Bộ, Ấn Độ Phật Giáo).