bồ đề lưu chí

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩提流志) (562-727) Phạm: Bodhiruci. Dịch ý là Giác ái. Ban đầu tên là Đạt ma lưu chi (Phạm: Dharmaruci), xuất thân từ dòng Bà la môn ở nam Thiên trúc. Thiên tư dĩnh ngộ, 12 tuổi xuất gia, thờ ngoại đạo Bà la xa la làm thầy, thông hiểu thanh minh, số luận, cũng thông cả âm dương lịch số, địa lí thiên văn, chú thuật y phương v.v… Năm 60 tuổi mới hiểu lí sâu xa mầu nhiệm của Phật giáo, bèn ở ẩn trong hang núi tu hạnh đầu đà. Lại theo ngài Da xá cù sa học ba tạng, chưa đầy năm năm đã thông hiểu hết, rồi đi khắp các trường giảng. Vua cao tông nhà Đường nghe danh ngài, sai sứ đến rước. Năm Trường thọ thứ 2 (693) ngài đến kinh đô Trường an, Vũ hậu Tắc thiên rất trọng đãi, thỉnh ngài ở chùa Phật thụ kí tại Lạc dương; cùng năm ấy, ngài dịch các kinh Phật cảnh giới, Bảo vũ v.v… gồm 11 bộ. Năm Thần long thứ 2 (706) đời vua Trung tông, ngài dời về ở chùa Sùng phúc tại Trường an, dịch các kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn, Nhất tự Phật đính luân vương v.v… Ngài lại tiếp tục sự nghiệp của ngài Huyền trang còn bỏ dở mà dịch bộ kinh Đại bảo tích, suốt tám năm trời mới hoàn tất, dịch mới có 26 hội 39 quyển, dịch mới dịch cũ cộng lại có 49 hội 120 quyển. Về sau, ngài thôi không dịch kinh nữa mà chuyên việc Thiền quán. Tuy đã trên 100 tuổi nhưng không hề xao lãng việc đạo nghiệp. Năm Khai nguyên thứ 10 (722), ngài vào ở chùa Trường thọ tại Lạc dương. Tháng 9 năm Khai nguyên 15, ngài chấm dứt ăn uống thuốc thang, nhưng thần sắc vẫn như thường. Đến ngày mùng 5 tháng 11, ngài yên lặng mà thị tịch, thọ 166 tuổi (có thuyết nói 156 tuổi). Vua truy tặng chức Hồng lô đại khanh, thụy hiệu Khai nguyên nhất thiết biến tri tam tạng. (Bậc Tam tạng thời Khai nguyên biết khắp tất cả). Ngài là một nhà dịch kinh lớn ở đời Đường. Tất cả kinh luận ngài đã dịch gồm 53 bộ 111 quyển. [X. Đại bảo tích kinh tự; Khai nguyên thích giáo lục Q.9; Tống cao tăng truyện Q.3].