bồ đề già da

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩提伽耶) Phạm: Buddha-gayà. Cũng gọi Bồ đề đạo tràng (Phạm:Bodhi-maịđa), Phật đà già da, Ma ha bồ đề (Phạm: Mahà-bodhi), Bồ đề tràng. Là nơi đức Phật thành chính giác. Nơi này nguyên là làng Ưu lâu tần loa (Phạm: Uruvelà) phía nam thành Già da nước Ma yết đà thuộc Ấn độ đời xưa, nay làBodhgayà cách thị trấn Già da 7 cây số, gần sông Ni liên thiền (Phạm: Nairaĩjanà, Bồ Đề Đạt Ma nay là sông Pháp nhĩ cổ), một chi lưu của sông Hằng, thuộc Nam bộ Tiểu bang Bihar của Ấn độ. Cứ theo kinh điển ghi chép, sau sáu năm tu khổ hạnh, đức Phật di đến nơi này, ngồi xếp bằng trên tòa kim cương dưới cây Tất bát la, chứng ngộ pháp Mười hai nhân duyên, Bốn đế, v.v… mà thành Chính giác. Vì thế cây Tất bát la cũng gọi là cây Bồ đề, nghĩa là cây giác. Vào thời Trung cổ, thành Già da thuộc quyền sở hữu của tín đồ Bà la môn giáo, và để phân biệt với thành Già da của Bà la môn giáo đồ, nên đặc biệt gọi Thánh địa Phật thành đạo là Phật đà già da, rồi cùng với nơi đức Phật sinh (vườn Lâm tì ni), nơi quay bánh xe pháp lần đầu tiên (vườn Lộc dã) và nơi vào Niết bàn (rừng Sa la song thụ, thành Câu thi na) được gọi chung là bốn Đại thánh tích của đức Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt, trải qua các thời đại, đã có rất nhiều chùa tháp, tịnh xá được dựng lên ở nơi Bồ đề già da này để cúng dường, kỉ niệm, tuy đã nhiều lần bị hủy hoại, nhưng cho đến nay vẫn còn khá nhiều di tích: 1.Đại tháp, cũng gọi Đại giác tháp, Đại giác tự, Đại bồ đề tự, Ma ha bồ đề tăng già da (Phạm:Mahàbodhi-saôghàràma), tức là ngôi tịnh xá nằm về phía bắc cây bồ đề. Về năm xây cất tòa Đại tháp này có hai thuyết: hoặc vào thế kỉ II, hoặc vào thế kỉ IV tây lịch. Đầu thế kỉ V, khi ngài Pháp hiển đến Thiên trúc lễ bái các Thánh tích thì ở Bồ đề tràng đã có ngôi Đại tháp này rồi, và gần đó còn có ba tòa già lam, chúng tăng ở đây nổi tiếng về nghiêm trì giới luật. Giữa thế kỉ VI, đại luận sư Duy thức là ngài Hộ pháp, sau khi rời chùa Na lan đà, có lần đã đến đây ở ẩn để soạn văn chú thích Duy thức tam thập tụng. Khi ngài Huyền trang đến Ấn độ đã ghi chép tường tận về ngôi tháp này và các di tích khác chung quanh đó. Lại theo Pháp uyển châu lâm quyển 29 chép, thì vào năm Trinh quán 19 (645) đời Đường, quan huyện huyện Hoàng thủy là Vương huyền sách đã từng đến đây và lập bia ở phía tây tòa tháp. Đại tháp hiện còn là do vua nước Miến điện tu tạo vào khoảng thế kỉ XII, XIII, tháp cao 52 mét, nhìn bề ngoài thì là chín tầng, nhưng thực ra bên trong chỉ có hai tầng, bốn mặt có khắc tượng Phật, khám thờ Phật, nét chạm trổ rất tinh vi đẹp đẽ. Vào thế kỉ XIII, tín đồ Hồi giáo xâm lăng Ấn độ, Phật tử sợ chúng phá hủy bèn lấy đất đắp lên tháp để che giấu, tháp biến thành một quả đồi đất. Cứ như thế Đại tháp bị phủ kín mấy trăm năm, cho mãi dến năm 1881 mới được nhà khảo cổ học người Anh là ông A. Cunningham tìm ra, khiến người đời ngạc nhiên. Hằng năm tín đồ Phật giáo khắp thế giới về hành hương chiêm bái rất đông, nhưng hiện nay chủ quyền vẫn còn ở trong tay những tín đồ Ấn độ giáo. 2.Cây Bồ đề, cây phía ngoài chỗ tiếp giáp với nền của Đại tháp, cao 12 mét. Vì mục đích truyền giáo, con gái vua A dục là Saôghamittà(Tăng già mật đa) đã từng đưa một nhánh cây này sang trồng ở nước Tích an (nay là Sri Lanka). Về sau, cây chính ở Bồ đề đạo tràng bị tín đồ ngoại đạo tàn phá, người ta lại phải chiết lấy một nhánh Toàn cảnh Đại tháp ở Bồ Đề Già Da của cây này ở Tích lan đưa về trồng ở Bồ đề đạo tràng, tức là cây bồ đề hiện nay. 3.Tòa kim cương, ở gốc cây Bồ đề, đức Phật đã ngồi trên tòa này khi chứng được Vô thượng chính đẳng chính giác, chỗ này hiện nay có đặt một tòa bằng đá, dài 2,3 mét, rộng 1,2 mét, cao 0,9 mét, trên tòa có đặt tượng Phật bằng đá. Đời Đường, nhiều vị cao tăng Trung quốc như Huyền chiếu, Đạo hi, Trí quang, Ngộ không v.v… lần lượt đến đây lễ bái tòa kim cương. Ngài Huyền chiếu lưu lại đây bốn năm, học tập nghiên cứu luận Câu xá và luật nghi. Ngài Trí quang cũng lưu lại hai năm, học tập nghiên cứu Câu xá và Nhân minh v.v…. Đến đời Ngũ đại và Nam, Bắc Tống, các ngài Chí nghĩa, Qui bảo, Uẩn thuật v.v… cũng nối tiếp nhau đến đây, dựng bia, tháp ở gần tòa kim cương. 4. Lan can bằng đá, bao bọc chung quanh phạm vi Đại tháp là một lan can bằng đá cao hơn mười thước (Tàu) do vua A dục xây dựng. Theo truyền thuyết, khoảng 200 năm sau đức Phật nhập diệt, A dục làm vua nước Ma yết đà. Lúc đầu, nhà vua tôn thờ ngoại đạo, không tin Phật pháp, nên có ác ý ra lệnh chặt cây Bồ đề ở chỗ đức Phật thành đạo. Tuy cành và thân đã bị chặt gần hết, nhưng chẳng bao lâu, cây lại đâm chồi xanh tốt, Vua A dục bèn hối ngộ, mới cho thợ xây lan can chung quanh để giữ gìn. (Có thuyết cho rằng căn cứ vào văn khắc trên cột đá mà suy, thì lan can này đã được xây dựng sau thời vua A dục). Lại nữa, vào đầu thế kỉ VII, vua Thiết thưởng ca (Phạm: Zazàíka) nước Yết la noa tô phạt lạt na (Phạm:Karịa-suvarịa), vì ghen ghét, hủy báng Phật pháp, phá hoại Đại tháp, đốn cây bồ đề, thiêu trụi gốc rễ, chỉ vài tháng sau, vua Bổ lạt noa phạt ma (Phạm: Pùrịa-varman) nước Ma yết đà thuộc dòng dõi vua A dục, lại khôi phục, và để phòng ngừa đời sau đốn phá nữa, vua cho xây bức tường bằng đá cao 2 trượng, 4 thước (Tàu) bao bọc chung quanh để bảo vệ. Ngoài ra, Bồ đề già da còn có các Thánh tích khác, như hứa nguyện tràng (nơi ban cho điều nguyện ước), chỗ đức Phật đi dạo, nơi Phật tắm gội sau khi thành đạo (sông Ni liên thiền) … [X. Trung a hàm Q.56 kinh La ma; truyện A dục vương Q.2; Đại đường tây vực cầu pháp cao tăng truyện Q.thượng; Pháp uyển châu lâm Q.29; Đường thư liệt truyện 146 phần trên; A. Cunningham: Mahàbodhi; V. A. Smith: Early History of India; B. Barna: Gayà andBuddha-Gayà].