Bồ-đề đạo Thứ đệ Luận

Từ Điển Đạo Uyển

菩提道次第論; T: lam-rim;

Tên chung của một số bản luận do những vị Ðại sư của Phật giáo Tây Tạng
sáng tác, dựa theo tác phẩm Bồ-đề đạo đăng luận của A-đề-sa. Những bộ
luận này nêu rõ từng chi tiết từ lúc nhập môn đến khi đạt Bồ-đề. Ðiểm
đặc sắc nhất là khía cạnh nào của Phật pháp cũng được đề cập đến. Tác
phẩm cổ nhất thuộc loại này là bộ Bồ-đề đạo thứ đệ tuỳ phá tông trang
nghiêm của Ðạt-bảo Cáp-giải (t: dvags-po lha-rje) và theo gương quyển
này, Tông-khách-ba soạn quyển Bồ-đề đạo thứ đệ và Chân ngôn đạo thứ đệ
(một bài luận về Mật giáo). Những bộ sách này rất được ưa chuộng vì vậy
được biên soạn và phổ biến rộng rãi trong tất cả các tông phái Phật giáo
Tây Tạng.

Bồ-đề đạo thứ đệ tuỳ phá tông trang nghiêm của Ðạt-bảo Cáp-giải
(dvags-po lha-rje hoặc gam-popa) tuyên truyền Bồ-đề đạo đăng luận của
A-đề-sa và phép tu Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) của Mật-lặc Nhật-ba (s:
milarepa [milaras-pa]). Sách này được chia thành sáu chương:

1. Thuyết quan trọng trong chương này là thuyết Như Lai tạng (s:
tathāgata-garbha), có nghĩa rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Thuyết này cũng là đối tượng tranh cãi quyết liệt trong Phật giáo nơi
đây và cũng vì vậy, trong tác phẩm Bồ-đề đạo thứ đệ, Tông-khách-ba không
đả động đến thuyết này nữa;

2. Kiếp người là cơ hội thuận tiện nhất để đắc Bồ-đề thành Phật. Vì vậy chúng sinh không nên bỏ lỡ cơ hội hiếm có này.

3. Ðiều kiện quan trọng nhất để đắc đạo là sự hướng dẫn của một bạn đạo,
đây có nghĩa là một vị Ðạo sư (ở Tây tạng là một Lạt-ma).

4. Phương tiện để đạt Phật quả là những lời hướng dẫn của vị Ðạo sư. Sự
hướng dẫn này thường bao gồm những bài giảng về nỗi đau Khổ của tất cả
chúng sinh trong Luân hồi, luật Nghiệp báo, tác dụng của tâm Từ bi, việc
phát triển Bồ-đề tâm, thực hiện sáu hạnh Ba-la-mật-đa (→Lục độ), →Ngũ
đạo;

5. Những lời hướng dẫn này đưa hành giả đến những cấp bậc tiếp thu trực giác, đạt Bồ-đề (Ba thân);

6. Hành giả không đạt Bồ-đề cho chính mình. Bồ-đề chỉ trở thành ý nghĩa cao cả khi hành giả xả thân cứu độ tất cả chúng sinh.

Cách trình bày của những bộ luận Bồ-đề đạo thứ đệ khác cũng tương tự như
trên. Chỉ có những điểm quan trọng là được sắp xếp khác nhau. Trong
Bồ-đề đạo thứ đệ của Tông-khách-ba thì phép tu Chỉ và Quán được chú
trọng đặc biệt, trong khi những bộ thuộc dòng Ninh-mã (t: nyingmapa
[rnying-ma]) lại để ý đến phương tiện Ðại cứu kính (s: atiyoga; t:
dzogchen [rgzogs chen]) hơn.