bồ đề

Phật Quang Đại Từ Điển

(菩提) I. Bồ đề. Phạm, Pàli: bodhi. Dịch ý là giác, trí, tri, đạo. Nói theo nghĩa rộng, bồ đề là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não thế gian mà thành tựu Niết bàn. Tức là trí giác ngộ mà Phật, Duyên giác, Thanh văn đã đạt được ở quả vị của các ngài. Trong ba loại bồ đề này, bồ đề của Phật là rốt ráo tột bậc, nên gọi là A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, dịch là vô thượng chính đẳng chính giác, Vô thượng chính biến trí, Vô thượng chính chân đạo, Vô thượng bồ đề. Về bồ đề của Phật, theo luận Đại trí độ quyển 53, có năm loại sau: 1. Phát tâm bồ đề, nghĩa là Bồ tát ở giai vị Thập tín phát tâm bồ đề, tâm ấy là nhân đưa đến quả bồ đề. 2. Phục tâm bồ đề, nghĩa là Bồ tát ở các giai vị Thập trụ, Thập hành, Thập hồi hướng v.v… tu các hạnh ba la mật, chế phục phiền não, hàng phục tâm mình. 3. Minh tâm bồ đề, nghĩa là Bồ tát ở giai vị Đăng địa biết rõ thực tướng các pháp rốt ráo trong sạch, là tướng bát nhã ba la mật. 4. Xuất đáo bồ đề, nghĩa là Bồ tát ở ba giai vị Bất động địa, Thiện tuệ địa, Pháp vân địa, ở trong bát nhã ba la mật, diệt trừ phiền não trói buộc, ra khỏi ba cõi, đến nhất thiết trí, nên gọi là xuất đáo bồ đề. 5. Vô thượng bồ đề, nghĩa là bậc Đẳng giác, Diệu giác chứng thành A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tức là giác trí của quả Phật.Trên đây gọi chung là năm loại bồ đề. Còn Pháp hoa kinh luận quyển hạ ở nơi ba thân pháp, báo, hóa của Phật, lập ba loại bồ đề là Pháp Phật Bồ đề (Pháp thân Bồ đề), Báo Phật Bồ đề (Báo thân Bồ đề), và Ứng Phật Bồ đề (Ứng thân Bồ đề), gọi là tam chủng Bồ đề. Đại thừa nghĩa chương quyển 18 thì chia Vô lượng bồ đề làm hai thứ là Phương tiện bồ đề và Tính tịnh bồ đề. Ngoài ra, trong mười thứ Ba Pháp của tông Thiên thai cũng có ba bồ đề, đó là: 1. Thực tướng bồ đề, cũng gọi Vô thượng bồ đề: chân tướng bồ đề ngộ lí thực tướng, tương đương với đức pháp thân. 2. Thực trí bồ đề, cũng gọi Thanh tịnh bồ đề: trí tuệ ngộ lí khế hợp, tương đương với đức bát nhã. 3. Phương tiện bồ đề, cũng gọi Cứu kính bồ đề: ngộ được tác dụng tự tại giáo hóa chúng sinh, tương đương với đức giải thoát. Lại cứ theo luận Vãng sinh tịnh độ nói, thì: 1. Chấp trước tự ngã. 2. Không muốn làm cho tất cả chúng sinh được yên ổn. 3. Chỉ cầu lợi ích cho bản thân mình. Ba điều trên đây trái với cửa bồ đề, gọi là ba tâm xa lìa hoặc là ba chướng lìa bồ đề. Cùng sách đã dẫn lại nêu ra ba thứ tâm thanh tịnh: 1. Không cầu yên vui cho bản thân mình (Vô nhiễm thanh tịnh tâm) 2. Trừ khổ cho chúng sinh khiến họ được yên vui (An thanh tịnh tâm) 3. Khiến chúng sinh đến bồ đề và cho họ yên vui vĩnh viễn (Lạc thanh tịnh tâm). Đây là ba thứ tâm thuận theo cửa bồ đề. Người tu Đại thừa cầu Vô thượng bồ đề, gọi là Bồ đề tát đỏa, gọi tắt là Bồ tát. Tâm cầu Vô thượng bồ đề, gọi là Vô thượng bồ đề tâm, Vô thượng đạo ý hoặc Bồ đề tâm. Hướng tới 73 đạo phẩm bồ đề, gọi là Bồ đề phần pháp. Nơi đức Phật thành đạo, gọi là Bồ đề đạo tràng, Bồ đề tràng, cây ở đạo tràng ấy gọi là Bồ đề thụ. Tu phúc cầu nguyện cho tổ tông thành Phật, gọi là Tăng thượng bồ đề. Kết khóa niệm Phật, nguyện cầu chúng sinh tăng tiến Phật đạo, gọi là Bồ đề giảng. Các chùa viện thuộc về đàn na (thí chủ), gọi là Bồ đề tự, Bồ đề sở. [X. kinh Bồ tát địa trí Q.3 phẩm Vô thượng bồ đề; kinh Đại phẩm bát nhã Q.22; kinh Bồ đề tâm Q.1; kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.38, Q.52; kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) Q.70; kinh Duy ma Q.thượng; kinh Đại bảo tích Q.1, Q.27; luận Đại trí độ Q.44; luận Thành duy thức Q.1]. II. Bồ đề. Tức là ngài Bồ đề tiên na đến Trung quốc vào đời nhà Đường. (xt. Bồ Đề Tiên Na).