bố đại hoà thượng

Phật Quang Đại Từ Điển

(布袋和尚) Hòa thượng mang cái đãy bằng vải. Là vị tăng triều Lương thời Ngũ Đại bên Trung quốc. Ngài là người huyện Phụng hóa thuộc Minh châu (Triết giang), cũng có thuyết nói ngài là người Tứ minh. Họ và năm sinh năm mất đều không rõ. Tự xưng là Khế thử, hiệu là Trường đinh tử. Người đời cho rằng ngài là hóa thân của bồ tát Di lặc. Ngài thường dùng gậy quảy một cái đãy (túi) to bằng vải (bố đại), thấy vật gì thì xin và cho hết vào đãy, nên người đời gọi ngài là Bố đại hòa thượng. Có kệ rằng (Đại 51,434 trung): Nhất bát thiên gia phạn Cô thân vạn lí du Thanh mục đồ nhân thiểu Vấn lộ bạch vân đầu (Dịch ý: Một bát cơm nghìn nhà Thân côi muôn dặm xa Mắt xanh nhìn nhân thế Mây trắng hỏi đường qua). Bài kệ trên đây phản ánh cuộc đời vô định của ngài. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 27 chép, Bố đại hòa thượng béo phệ, lông mày rậm, bụng to, nói năng không định, gặp đâu ngủ đó; thường dùng gậy quảy một cái túi vải, tất cả vật dụng đều chứa trong túi, người thời ấy gọi ngài là Trường đinh tử Bố đại sư. Ngài có thể dự báo thời tiết và chỉ cho người ta biết điều lành điều dữ. Tháng 3 năm Trinh minh thứ 3 (917) đời Lương, lúc sắp thị tịch, ngài ngồi ngay thẳng trên một tấm đá dưới hồi lang phía đông của chùa Nhạc lâm mà nói kệ rằng (Đại 51,434 trung): Di lặc chân Di lặc Phân thân thiên bách ức; Thời thời thị thời nhân, Thời nhân tự bất thức (Dịch ý: Di lặc thật Di lặc. Phân thân nghìn trăm ức; Luôn luôn dạy mọi người, Người đời chẳng tự biết). Nói kệ xong, ngài an nhiên nhập tịch. Về sau, có người ở châu khác trông thấy ngài mang túi vải mà đi. Người ở Triết giang phần nhiều vẽ tượng của ngài để lưu truyền. Những bức vẽ về ngài ở đời Tống hiện nay chỉ còn lại họa phẩm của ông Lương khải. Sau khi được truyền đến Nhật bản, Bố đại hòa thượng đã trở thành một trong bảy vị phúc thần được nhiều người thờ cúng. [X. Tống cao tăng truyện Q.21; Phật tổ thống kỉ Q.42; Phật tổ lịch đại thông tải Q.25; Thích thị kê cổ lược Q.3; Cổ kim đồ thư tập thành chức phương điển 979]. Tượng Bố Đại Hòa Thượng bằng đá ở chùa Linh Ẩn tại Hàng Châu (Trung Quốc) Bố Đại Hòa Thượng (Tranh đời Tống)