bình thường tâm thị đạo

Phật Quang Đại Từ Điển

(平常心是道) Tâm ngày thường là đạo. Tên công án trong Thiền tông. Cũng gọi Triệu châu bình thường tâm thị đạo, Bình thường thị đạo. Đây là câu nói của Thiền sư Nam tuyền Phổ nguyện khi tiếp hóa ngài Triệu châu Tùng thẩm. Ngài Triệu châu hỏi Thiền sư Nam tuyền: – Thế nào là đạo? – Tâm bình thường là đạo. – Có thể hướng tới không? – Có chỗ hướng tới liền sai trái. – Không chỗ hướng tới làm sao biết là đạo? – Đạo không thuộc biết, cũng chẳng thuộc không biết; biết là vọng giác, chẳng biết là vô kí. Nếu đạt được đạo này thì cũng như thái hư bao la rỗng lặng, há có thể cưỡng nói là phải, là trái được chăng? Ngài Triệu châu nghe câu nói ấy, ngộ liền ý chỉ mầu nhiệm, tâm như vừng trăng tỏa sáng. Rồi làm bài tụng (Đại 48, 295 trung): Xuân hữu bách hoa, Thu hữu nguyệt, Hạ hữu lương phong, Đông hữu tuyết ; Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu Tiện thị nhân gian hảo thời tiết (Dịch ý: Xuân có trăm hoa, thu có trăng, Hè có gió mát, đông có tuyết; Bằng không bận rộn, lòng thanh thản, Còn thú nào hơn: đạo giữa trờí!) Trong Thiền lâm, Tâm bình thường là đạo trở thành câu nói đã quen. Thấy các việc sinh hoạt tầm thường hàng ngày, như uống trà, ăn cơm, bổ củi, gánh nước v.v…đều là cùng một thể với đạo. Tâm bình thường là chỉ các động tác đi, đứng, ngồi, nằm, vì bốn uy nghi này là Thiền chân thực. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 28 ghi lại những lời Thiền sư Giang tây Đại tịch Đạo nhất dạy đại chúng như sau (Đại 51, 440 thượng): Đạo không cần tu, chỉ đừng ô nhiễm. Thế nào là ô nhiễm? Hễ có tâm sinh tử, tạo tác, hướng tới đều là ô nhiễm. Nếu muốn hiểu ngay được đạo thì tâm bình thường ấy là đạo. Nghĩa là tâm bình thường không tạo tác, không phải trái, không lấy bỏ, không đoạn thường, không phàm không thánh (……), chỉ như đi đứng ngồi nằm, ứng cơ tiếp vật đều là đạo. [X.Triệu châu Chân tế thiền sư ngữ lục tinh hành trạng Q.thượng; Vô môn quan tắc 19; Tổ đình sự uyển Q.7; Ngũ đăng hội nguyên Q.4 Triệu châu chương; Quang minh tạng Q.trung].