bính linh tự thạch quật

Phật Quang Đại Từ Điển

(炳靈寺石窟) Chùa hang đá Bính linh. Là chùa hang xưa nhất hiện còn của Trung quốc. Chùa ở trong núi Tiểu thạch tích; núi này ở phía tây nam Lan châu tỉnh Cam túc, mạn tây huyện Vĩnh tĩnh, bắc ngạn Hồng sa nham thượng du sông Hoàng. Nghệ thuật ở đây chủ yếu là khắc đá, nhưng cũng có những tượng đắp bằng đất và các bức tranh vẽ trên vách. Tượng ở đây được tạc qua nhiều thời, nhưng tượng được tạc vào đời Đường là nhiều hơn cả. Thời gần đây, một bài văn nguyện rất xưa khắc trên vách đá đã được phát hiện ở chùa này, nội dung như sau: Năm Diên xương thứ 2 (513) đời đại Bắc Ngụy, Quí sửu tháng 6 Giáp thân ngày 15 Canh tuất, Thái hạ quận, Vũ dương quận Trung chính là Tào tử nguyên đục mở một khu hang đá. Nguyện cầu Hoàng đế bệ hạ, trăm quan, nhân dân, cha mẹ bảy đời, cha mẹ hiện tại, sáu thân quyến thuộc, được sinh phương Tây, sống trong diệu lạc, các loài hàm linh, đều cùng được phúc. Nhớ bài văn nguyện trên đây mà biết được niên đại của chùa hang Bính linh đã rất xưa, đến nay khu hang đá do Tào tử nguyên phát nguyện đục mở vẫn còn. Tại ba vách tây, nam, bắc, có những tượng rất đẹp được tạc vào thời đại Bắc Ngụy. Các bức tranh vách đã được vẽ mới lại vào đời Minh. Theo suy đoán, hang đá này đã được đục mở trước năm 513 và các pho tượng Lư Hương có cán cầm Toàn cảnh chùa Bính Linh cũng bắt đầu được tạc vào thời ấy, phong cách có hơi khác với tượng ở các hang Vân cương, Long môn, Đôn hoàng v.v.….. Trên vách đá có đục rất nhiều khám thờ Phật, phần nhiều bắt chước kiểu tháp bát úp ở Ấn độ. Theo thống kê, hang đá hiện còn 36 hang, 88 khám thờ Phật. Chùa Bính linh chia làm hai chùa trên và dưới, khoảng giữa hai chùa là những hang động nhỏ và các dòng suối chảy róc rách. Chùa trên được xây vào đời Đường, vốn gọi chùa Long hưng; đời Tống đổi tên là chùa Linh nham. Chùa dưới được cất vào năm Diên xương thứ 2 (513) đời Bắc Ngụy, là nơi tập trung nhiều hang và khám nhất. Bính linh nguyên là tiếng Tây tạng, có nghĩa là Nghìn Phật, Vạn Phật, từ đời Nguyên, chùa này là chùa Lạt ma của Mật giáo Tây tạng. Đến giữa đời Thanh chùa suy đồi dần, rồi trải qua hơn trăm năm, nhờ phát hiện được nghệ thuật trong hang đá, nên nay rất được xem trọng. [X. Pháp uyển châu lâm Q.39; Thủy linh chú Hà thủy Q.2 (Lịch đạo nguyên)].