bình đẳng

Phật Quang Đại Từ Điển

(平等) Phạm,Pàli: sama. Nghĩa là ngang bằng đều nhau, không cao thấp nông sâu. Chỉ hết thảy hiện tượng cùng chung một tính, hoặc tính không, tính Duy thức, tính tâm chân như. Đối lại với Sai biệt. Như đức Thích tôn đã phủ nhận chế độ giai cấp ở Ấn độ đã có từ thời đại Phệ đà và chủ trương Tứ tính bình đẳng. Trong các kinh luận có rất nhiều tư tưởng và dụng ngữ về bình đẳng, chẳng hạn như cho rằng Tam bảo Phật, Pháp, Tăng và Tâm Phật, chúng sinh trên bản chất đều không có sai khác, cho nên nói là bình đẳng; hoặc hiển bày tướng mạo của bản thể thế giới, gọi là không bình đẳng, Chân như bình đẳng. Lại như kinh Đại bát nhã quyển 409 đã nói rõ về sự bình đẳng giữa Bát nhã ba la mật, Tam ma địa và Bồ tát. Luận Đại trí độ quyển 100, thì thuyết minh lí pháp bình đẳng và Chúng sinh bình đẳng. Kinh Đại nhật quyển 1 thì nói ba mật: thân mật, ngữ mật, ý mật là bình đẳng. Vãng sinh luận chú quyển thượng nói, bình đẳng là thể tướng của các pháp, trí tuệ đã đạt đến thể tướng bình đẳng thì không còn phân biệt, chủ quan và khách quan cũng không sai khác: đây gọi là Trí bình đẳng. Đối với chúng sinh cũng phải coi là đồng đẳng, không phân biệt cao thấp oán thân, đáng được thương xót ngang nhau, vì đều có tính Phật giống như nhau: đây gọi là Chúng sinh bình đẳng. Lại nữa, Phật gọi là bình đẳng giác, Tự tính pháp thân gọi là Bình đẳng pháp thân. Ngoài ra, pháp Nhất thừa biểu thị đại tuệ ngang bằng với trí tuệ của Phật, gọi là Bình đẳng đại tuệ. Yêu thương khắp tất cả không phân biệt, gọi là Bình đẳng đại bi. Tâm đối với tất cả đều bình đẳng, tỏ ngộ chân lí mà không dấy lên cái thấy biết sai khác, gọi là Bình đẳng tâm. Trong ba phép quán Không, Giả, Trung, quán từ Không vào Giả, cũng gọi là Bình đẳng quán, Quán thân mật, ngữ mật, ý mật là bình đẳng không sai khác, gọi là Tam bình đẳng quán. Chẳng kể oán, thân, tất cả đều thương yêu như nhau, gọi là Oán thân bình đẳng. Kinh Hoa nghiêm (bản dịch mới) quyển 53 phẩm Li thế gian nói, Bồ tát có đủ mười thứ bình đẳng: 1. Hết thảy chúng sinh bình đẳng, 2. Hết thảy pháp bình đẳng, 3. Hết thảy cõi nước bình đẳng, 4. Hết thảy tâm sâu xa bình đẳng, 5. Hết thảy thiện căn bình đẳng, 6. Hết thảy Bồ tát bình đẳng, 7. Hết thảy nguyện bình đẳng, 8. Hết thảy Ba la mật bình đẳng, 9. Hết thảy hạnh bình đẳng, 10. Hết thảy Phật bình đẳng. Nếu Bồ tát an trụ nơi pháp này, thì được tất cả pháp bình đẳng vô thượng của chư Phật. Cùng kinh đã dẫn quyển 30 phẩm Thập hồi hướng còn nêu ra 10 thứ bình đẳng, như Nghiệp bình đẳng, Báo bình đẳng v.v… Còn kinh Đại phương đẳng, đại tập quyển 50 cũng nêu ra 10 thứ bình đẳng: Chúng sinh bình đẳng, Pháp bình đẳng, Thanh tịnh bình đẳng, Bố thí bình đẳng, Giới bình đẳng, Nhẫn bình đẳng, Tinh tiến bình đẳng, Thiền bình đẳng, Trí bình đẳng và Nhất thiết pháp thanh tịnh bình đẳng. Nếu chúng sinh có đầy đủ 10 thứ bình đẳng trên đây, thì có thể mau chóng được vào đại thành vô úy. [X. Tạp a hàm Q.20; kinh Đại bát nhã Q.570 phẩm Bình đẳng; kinh Đại bảo tích Q.60; Đại thừa trang nghiêm kinh luận Q.12; Phật địa kinh luận Q.5]. (xt. Sai Biệt).