bình đẳng tính trí

Phật Quang Đại Từ Điển

(平等性智) Phạm: samatà-jĩàna. Cũng gọi Bình đẳng trí. Là một trong bốn trí tâm phẩm, một trong năm trí. Chỉ cho trí biết rõ mình, người bình đẳng. Tức là trí tuệ do chuyển thức mạt na thứ bảy mà có được. Nhờ trí tuệ này mà biết rõ hết thảy sự tướng và mình, người đều bình đẳng, do đó nảy sinh lòng đại từ bi. Luận Phật địa quyển 3 nói rằng, Bình đẳng tính trí là trí quán xét mình, người tất cả đều bình đẳng, đại từ đại bi thường hằng khế hợp với nhau, không lúc nào gián đoạn, cho nên kiến lập cõi Phật Vô Trụ Niết Bàn (cõi Niết bàn không trụ nơi sống chết, cũng không trụ nơi Niết bàn), mà tùy theo sự ưa thích của hữu tình, thị hiện các thứ hình bóng của Tự thụ dụng thân, Tha thụ dụng thân và Tự thụ dụng độ, Tha thụ dụng độ v.v… Đối với hàng Bồ tát sơ địa trở lên, thị hiện Tha thụ dụng thân, Tha thụ dụng độ, thường làm các việc giáo hóa lợi ích với tâm đại từ đại bi. Kinh Tâm địa quán quyển 2 (Đại 3, 298 hạ) nói: Bình đẳng tính trí là do chuyển thức chấp có ta mà được; là vì trí tuệ này đã chứng ngộ tính của hai vô ngã (Nhân vô ngã, Pháp vô ngã) và thấy rõ lí mình, người bình đẳng, nên gọi là Bình đẳng tính trí. Ngoài ra, Bình đẳng tính trí trong năm trí do Mật giáo kiến lập, còn được gọi là Quán đính trí, là trí của đức Phật Bảo sinh ở phương nam. Bí tàng kí quyển thượng phần đầu (Đại 86, 2 trung), nói: Bình đẳng tính trí là nước trí trong sạch, vì không phân biệt hữu tình, phi tình, vì kia, đây như nhau, vì thường còn chẳng biến đổi, nên gọi là Bình đẳng tính trí. (xt. Ngũ Trí, Tứ Trí, Tâm Phẩm).