bình đẳng quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(平等觀) Quan niệm về sự bình đẳng. Chỉ cho thuyết Tứ tính bình đẳng do đức Thích tôn chủ trương. Bà la môn giáo Ấn độ chỉ cốt chi phối giai cấp, chứ không quan tâm đến vấn đề phúc lợi của dân chúng, do đó, giai cấp vua chúa và thứ dân đã hình thành một cách mau chóng. Rồi những tư tưởng tôn giáo mới, cũ đối chọi nhau, cũng do thiên kiến về giai cấp mà phát sinh. Tư tưởng của đức Thích tôn vượt lên trên thiên kiến giai cấp, coi trọng ý nghĩa đạo đức, không chấp nhận giai cấp mà chủ trương bốn chủng tính đều bình đẳng. Sự sang hèn của người ta không phải do sinh ra hoặc do giòng họ, mà là do chính hành vi của người ta làm cho họ cao quí hay ti tiện; vì thế, lí tưởng bình đẳng, trước tiên, đã được đức Thích tôn thể hiện ngay trong giáo đoàn của Ngài. Tinh thần bình đẳng được biểu lộ qua từ bi; Phật giáo Đại thừa vốn đã chịu ảnh hưởng sâu xa của tinh thần này, cho bản chất của các pháp là không, tất cả sự tồn tại đều bình đẳng. Tư tưởng này phát triển tới Trung quốc thì thành là tư tưởng Tức (sự đồng nhất của tính tuyệt đối) của Phật giáo. Như tông Thiên thai, tông Hoa nghiêm chủ trương tướng tuyệt đối của các pháp là Lí, tướng cá biệt của chúng là Sự. Lí là bình đẳng, Sự là sai biệt, khi cả hai tương tức thì có mối quan hệ Lí tức Sự, Sự tức Lí, vì thế các tông trên cũng chủ trương bình đẳng. Bản thân Phật giáo đã thành là tôn giáo rất phổ biến, cho nên Phật giáo đã dung hợp các kiến giải bất đồng để biểu tỏ thái độ thống nhất, và dựa vào đó, ở Ấn độ, Trung quốc, Nhật bản,Tây tạng v.v…Phật giáo đã có khả năng dung hợp được với các tôn giáo dân tộc cố hữu của các quốc gia ấy mà phát triển. Giáo lí Hết thảy chúng sinh đều có tính Phật là sự biểu hiện tư tưởng bốn chủng tính đều bình đẳng triệt để; và chủ trương mình người chẳng hai, lợi mình lợi người cũng lấy hạnh Bồ tát Đại thừa làm nền tảng. Luận kim cương châm (Phạm: Vajrasùcì) là tác phẩm tiêu biểu cho việc phê phán chế độ bốn giai cấp. Sách này đứng trên lập trường của đức Phật mà công kích quan niệm cho Bà la môn là ưu việt. Còn đứng về phương diện chính trị để thực hiện lí tưởng bình đẳng thì có nền chính trị Pháp (Dharma: chính pháp) của vua A dục, đồng thời, có Bảo hành vương chính luận (Phạm:Ratàvalì) của ngài Long thụ trình bày quan điểm của Ngài về nền nhân chính mà nhà vua cần thi hành. Nhà tập đại thành tông Thiên thai là ngài Trí khải (538-597) lấy tư tưởng kinh Pháp hoa làm nền tảng, nêu rõ giáo nghĩa Mở hội (thống nhất tuyệt đối) nhấn mạnh giáo nghĩa Phật giáo mỗi mỗi đều có đủ tính đặc thù, đồng thời, cũng có tính tuyệt đối, nghĩa là mỗi mỗi giáo pháp đều có đủ lí do tồn tại bình đẳng. Như chủ trương mỗi pháp giới trong mười pháp giới đều có đủ địa ngục, quỉ đói, súc sinh, a tu la, người, trời, Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật v.v…, tức chứng minh tất cả pháp bình đẳng, đầy đủ tính Phật.Lại nữa, khi tín ngưỡng Tịnh độ được phổ cập, thì đối tượng cứu độ của Phật A di đà cũng được mở rộng, bởi thế đa số đoàn thể tôn giáo giữa các giai cấp cũng dần dần hình thành. Về phương diện thực tiễn, tư tưởng Thiền cũng được phổ biến hóa. Trong các thanh qui qui định sự sinh hoạt của Tăng đường, những điều khoản đã được đại chúng quyết nghị thì mọi người đều phải tuân thủ: đó là biểu hiện tinh thần bình đẳng trong giáo đoàn về mặt luân lí. Vào thế kỉ thứ V Tây lịch, khi kinh Niết bàn được truyền dịch, đã diễn ra cuộc tranh luận đối nghịch nhau về hai vấn đề Tất hữu Phật tính (Tất cả đều có tính Phật) và Ngũ tính các biệt (Năm chủng tính đều khác nhau). Vào tiền bán thế kỉ VII, ngài Huyền trang truyền bá học thuyết của phái Du già hành ở Trung quốc, khi thành lập tông Pháp tướng thì ngài theo thuyết Ngũ tính các biệt, chủ trương trong chúng sinh cũng có kẻ không có tính Phật, do đó, đã đưa đến cuộc tranh luận giữa các tông Thiên thai, Hoa nghiêm phủ định thuyết Ngũ tính các biệt và tông Pháp tướng thừa nhận thuyết này. Về sau, cuộc tranh luận lan sang cả Nhật bản, lấy ngài Tối trừng làm trung tâm, học giả các tông tranh luận với nhau, cuối cùng, những người phủ định thuyết Ngũ tính các biệt và khẳng định thuyết Tất hữu Phật tính đã thắng, lí do là vì quan niệm tôn giáo này đã thấm sâu vào lòng tín chúng phổ thông rồi. Ngoài ra, lấy tinh thần Phật giáo làm cơ sở, điều 17 trong Hiến pháp của Nhật bản đã đả phá chế độ xã hội thị tộc mà xúc tiến việc thống nhất quốc gia: đó chính là sự biểu hiện cách cụ thể tư tưởng bình đẳng của Thái tử Thánh đức vậy. Là tên khác của Giả quán trong ba phép quán (Không, Giả, Trung) của tông Thiên thai. Nếu phá Tục đế (tức Giả) mà dùng Chân đế (tức Không) thì chẳng gọi là bình đẳng. Bởi vì Không quán là ở trong quán biết Giả chẳng phải Giả mà phá Giả vào Không, và trong Giả quán thì biết Không chẳng phải Không mà phá Không vào Giả. Như vậy, Không, Giả cùng phá mà dùng lẫn nhau, nên gọi là bình đẳng. Duy ma kinh huyền sớ quyển 2 (Đại 38, 525 hạ), nói: Nếu trước phá tục dùng chân, thì chẳng gọi bình đẳng; phép quán này phá cả Không, Giả mà dùng lẫn nhau, nên gọi bình đẳng. Lại Không quán cũng được gọi là Bình đẳng quán, vì Không là bình đẳng mà mỗi mỗi tướng đều riêng khác. (xt. Tam Quán).