bình đẳng giác

Phật Quang Đại Từ Điển

(平等覺) I. Bình đẳng giác, cũng gọi Bình đẳng chính giác. Chỉ cho chính giác của đức Phật và từ này được dùng làm biệt hiệu của Phật. Vì Phật đã chứng được lí các pháp bình đẳng, không có cao thấp nông sâu sai khác, Ngài trụ trong đại giác, ba nghiệp thân, ngữ, ý đều rỗng lặng, nên gọi là Bình đẳng giác. Kinh Trì tâm phạm thiên sở vấn quyển 3 (Đại 15, 22 thượng), nói: Bình đẳng giác, nghĩa là chẳng có chứng được gì, không nói năng hành động gì (…) Như lai hiểu rõ hết thảy pháp đều vốn thanh tịnh, tự nhiên nhi nhiên, chẳng có cội nguồn, được bình đẳng giác, cho nên gọi là Bình đẳng chính giác. II. Bình đẳng giác, là một trong 37 tên hiệu của đức Phật A di đà. Tán A di đà kệ (Đại 47, 421 thượng), nói: Mông quang xúc giả li hữu vô Thị cố khể thủ Bình đẳng giác (Tạm dịch: Ánh sáng soi tới lìa có không Cúi đầu lạy đấng Bình đẳng giác). [X.Vãng sinh luận chú Q.thượng].