biểu vô biểu

Phật Quang Đại Từ Điển

(表無表) Biểu vô biểu là nói tắt của Biểu nghiệp (Phạm: Vijĩapti-karman) và Vô biểu nghiệp (Phạm: Avijĩapti-karman). Cũng gọi Hữu biểu nghiệp vô biểu nghiệp, Hữu biểu sắc vô biểu sắc, Tác vô tác, Giáo vô giáo. Nghiệp biểu hiện ra ở ngoài khiến người khác biết rõ, là Biểu nghiệp; nghiệp không hiển hiện ra bên ngoài và người khác không biết được, là Vô biểu nghiệp. Nghĩa là những hành vi biểu hiện ra bên ngoài, như động tác của cơ thể, lời nói, âm thanh, khiến người khác thấy được, nghe được, gọi là Biểu nghiệp. Trái lại, nghiệp do thân, ngữ dẫn khởi, nó có công năng cản trở thiện hoặc ác, nhưng người khác không thấy được, gọi là Vô biểu nghiệp. Thuyết nhất thiết hữu bộ của Tiểu thừa chủ trương: trong ba nghiệp thân, ngữ, ý thì chỉ có thân nghiệp, ngữ nghiệp là có biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Và cho rằng thân biểu nghiệp lấy hình sắc làm thể, ngữ biểu nghiệp lấy âm thanh làm thể, Vô biểu nghiệp lấy sắc ở trong pháp xứ làm thể, đều là pháp có thật. Còn đối với Ý nghiệp thì không lập Biểu nghiệp, Vô biểu nghiệp. Biểu nghiệp thông cả ba tính thiện, ác, vô kí, nó do Tầm, Tứ phát khởi, cho nên nó tồn tại ở cõi Dục và Sơ thiền. Vô biểu nghiệp thì chỉ thông với hai tính thiện, ác, nên nó chỉ tồn tại ở cõi Dục và cõi Sắc. Các nhà Duy thức Đại thừa thì cho rằng vì ý nghiệp có khả năng biểu thị tự ngã trong nội tâm, nên không lập vô biểu nghiệp (có thuyết nói cũng lập vô biểu nghiệp) và chủ trương thể của biểu nghiệp và vô biểu nghiệp đều là có giả. Luận Thành duy thức quyển 1 (Đại 31, 4 hạ), nói: Thân biểu nghiệp chẳng phải có thật, nhưng vì tâm là nhân, khiến biến hiện ra các sắc tướng nối nhau sinh diệt, chuyển đến các phương khác, tựa hồ như có động tác biểu thị tâm, nên mới tạm gọi là Thân biểu. Ngữ biểu cũng chẳng phải thật có tính của tiếng nói, vì trong một sát na tiếng nói không bày tỏ rõ ràng được, mà phải trải qua nhiều sát na nối tiếp nhau, cho nên tính của tiếng nói chẳng phải có thật. Vì sắc hữu đối ở bên ngoài trước đã bị phá, nhưng vì tâm là nhân, nên thức mới biến ra tựa hồ như có tiếng nói, rồi sinh diệt liên tục dường như có biểu thị, nên tạm gọi là Ngữ biểu. [X. kinh Ưu bà tắc giới Q.6; luận Câu xá Q.13; luận Thuận chính lí Q.33; luận Đại tì bà sa Q.122, Q.123; luận Thành duy thức Q.8; luận Du già sư địa Q.53; luận Tạp a tì đàm tâm Q.3; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3 phần cuối]. (xt. Nghiệp).