biệt tướng tam bảo

Phật Quang Đại Từ Điển

(別相三寶) Một trong hai loại tam bảo, một trong ba loại tam bảo, một trong bốn loại tam bảo. Cũng gọi Hóa tướng tam bảo, Biệt thể tam bảo, Chân thực tam bảo, Giai thê tam bảo. Vì bàn về thể tướng sai khác riêng của mỗi loại Tam bảo nên gọi Biệt tướng; lại tùy theo chỗ giáo hóa mà chia ra ngôi thứ Phật ở trên, Pháp ở giữa và Tăng ở dưới, nên gọi là Giai thê tam bảo (giai thê: bậc thang). Về thành phầnTam bảo do Đại thừa và Tiểu thừa lập cũng có khác nhau: Đại thừa lấy ba thân của chư Phật làm Phật bảo, sáu độ làm Pháp bảo, mười thánh làm Tăng bảo. Tiểu thừa thì lấy ứng hóa thân trượng sáu làm Phật bảo, 4 đế, 12 nhân duyên làm Pháp bảo, 4 quả, Duyên giác làm Tăng bảo. Nếu theo năm giáo: Tiểu, Thủy, Chung, Đốn, Viên của giáo nghĩa Hoa nghiêm, thì có năm thứ Biệt tướng Tam bảo: 1. Tiểu thừa giáo: lấy năm phần pháp thân, thân trượng sáu, thân ứng hóa tùy theo loại làm Phật bảo, bốn đế, nhân không, 37 phẩm trợ đạo, trạch diệt Niết bàn làm Pháp bảo, bốn hướng, bốn quả làm Tăng bảo. 2. Đại thừa thủy giáo: lấy pháp thân thanh tịnh, thân tự thụ dụng, thân tha thụ dụng, làm Phật bảo, chân lí hai không, sáu đô, bốn nhiếp, bồ đề niết bàn làm Pháp bảo, ba hiền, mười thánh làm Tăng bảo. 3. Đại thừa chung giáo: lấy pháp thân, thân tự thụ dụng, thân tha thụ dụng, thân ứng hóa làm Phật bảo, hai không, sáu độ, thủy giác, bản giác làm Pháp bảo, ba hiền, mười thánh làm Tăng bảo. 4. Đại thừa đốn giáo: theo nghĩa tỉnh biết gọi là Phật bảo, theo nghĩa giữ khuôn phép gọi là Pháp bảo, theo nghĩa không trái ngược gọi là Tăng bảo. 5. Đại thừa viên giáo: mười thân dung hợp trong ba thế gian là Phật bảo, Biệt giáo, Nhất thừa, pháp giới viên dung là Pháp bảo, Hải hội bồ tát là Tăng bảo. [X. Tứ phần luật hành sự sao tư trì kí Q.17; kinh Hoa nghiêm phẩm Minh pháp chương Nội lập Tam bảo Q.thượng; Hoa nghiêm khổng mục chương Q.2; Hoa nghiêm hành nguyện phẩm sớ sao Q.2; Đại thừa nghĩa chương Q.10; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.6].