biệt thời ý

Phật Quang Đại Từ Điển

(別時意) Phạm: kàlàntaràbhipràya. Đức Như lai dùng ý thú biệt thời mà nói pháp. Cũng gọi Biệt thời ý thú, Thời tiết ý thú. Là một trong bốn ý thú. Như nói người nào tụng trì tên hiệu của đức Phật Đa bảo thì, đối với vô thượng bồ đề, quyết định không trở lui, hoặc nói người ta chỉ cần phát nguyện liền được sinh về cõi Phật yên vui v.v… Đây là đức Như lai vì khuyên nhủ những chúng sinh biếng nhác không thích tu hành, nên nói lúc khác (biệt thời) được lợi ích, chứ không nói được liền ngay lúc này. Nhiếp đại thừa luận thích quyển 6 (Đại 31, 194 trung), nói: Những người căn lành biếng nhác, nhờ tụng trì tên hiệu Phật Đa bảo nên được tiến lên công đức thượng phẩm nhằm khuyên những chúng sinh có công hạnh nông cạn, muốn khiến họ bỏ tính lười biếng, tinh tiến tu hành, chứ không phải chỉ nhờ tụng trì tên hiệu Phật mà được không trở lui, quyết định được ngay vô thượng bồ đề. Ví như từ một đồng tiền vàng nhờ kinh doanh lâu ngày mà được một nghìn đồng, chứ không phải trong một ngày mà được, chính là do ở một lúc khác (biệt thời) mới được như vậy, ý của Phật cũng thế. Một đồng tiền vàng là nhân của nghìn đồng tiền vàng; tụng trì danh hiệu Phật là nhân của sự không trở lui đối với vô thượng bồ đề. [X. Nhiếp đại thừa luận (bản dịch đời Lương) Q.trung; Di lặc thượng sinh kinh sớ Q.thượng; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.3; Chư kinh yếu tập Q.1; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.7 phần cuối]. (xt. Tứ Ý Thú).