biệt thời ý hội thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(別時意會通) Do Tịnh độ chân tông Nhật bản thành lập. Vào thời đại Tùy, Đường, các học giả của tông Nhiếp luận cho rằng mười niệm vãng sinh nói trong kinh Quán vô thượng thọ tương đương với Biệt thời ý trong bốn ý của luận Nhiếp đại thừa; đó chỉ là thuyết phương tiện thôi. Bởi thế, tuy nói mười niệm vãng sinh là vãng sinh liền, nhưng thực ra không phải thế: mười niệm chỉ thành nhân xa của sự vãng sinh. Trái lại, các sư thuộc tông Tịnh độ hội thông ý trong các kinh luận, chủ trương mười niệm vãng sinh là vãng sinh ngay. Nhóm ngài Nguyên tín v.v… thuộc tông Tịnh độ Nhật bản cũng cùng quan điểm này, Chân tông gọi là Biệt thời ý hội thông. Trong các bậc Đại đức Tổ sư Trung quốc, ngài Đạo xước cho rằng mười niệm được thành tựu là nhờ đã gieo nhân ở đời quá khứ, cho nên chẳng phải Biệt thời ý. Ngài Thiện đạo thì chủ trương nếu chỉ có nguyện không có hành, thì mười niệm vãng sinh là Biệt thời ý; còn nguyện hành đầy đủ thì không phải Biệt thời ý, nghĩa là mười niệm có đầy đủ mười nguyện mười hành. Luận Tịnh độ quyển trung của ngài Ca tài và Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương quyển 7 của ngài Khuy cơ v.v… bảo rằng cõi Tịnh độ của đức Phật A di đà thông cả Báo độ và Hóa độ. Đứng về mặt vãng sinh Hóa độ mà nói, thì nguyện hành đầy đủ nên mười niệm vãng sinh không phải Biệt thời ý; đứng về Báo độ mà nói, thì chỉ có nguyện không có hành hoặc nguyện hành đầy đủ, mười niệm vãng sinh đều là Biệt thời ý. [X. Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) Q.6; luận Nhiếp đại thừa (bản dịch đời Lương) Q.trung; Quán kinh sớ Huyền nghĩa phần; Di lặc thượng sinh kinh sớ Q.thượng; Du tâm an lạc đạo; Vô lượng thọ kinh liên nghĩa thuật văn tán Q.trung; Hoa nghiêm kinh thám huyền kí Q.3; Vãng sinh yếu tập Q.thượng phần cuối; Pháp uyển châu lâm Q.15].