biệt sinh kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(別生經) Kinh được trích riêng ra. Một bộ phận văn kinh được sao chép hoặc trích dịch từ một bộ kinh lớn mà thành và được lưu hành riêng biệt. Cũng gọi Chi phái biệt hành kinh, Chi lưu xuất sinh kinh, Chi phái kinh. Vì kinh điển quá đồ sộ, pháp môn thì mông mênh, nên người sau mới tùy nghi hóa độ, ứng vật thi duyên mà đặt ra, cho nên phần nhiều theo ý mình mà lấy hay bỏ, lược bớt, sao chép một phần văn hoặc những bài kệ nào đó trong bộ kinh lớn để làm thành quyển kinh mà lưu hành riêng. Như kinh Tịnh hành phẩm, kinh Đại bát nhã đệ nhị hội, kinh Bồ tát địa trì v.v… Chẳng hạn như: 1. Kinh Đâu sa 1 quyển, do ngài Chi lâu ca sấm dịch vào đời Hậu Hán, là kinh tương đương với phẩm Như lai danh hiệu và phẩm Như lai quang minh giác trong kinh Hoa nghiêm (bản 60 quyển). 2. Kinh Bồ tát bản nghiệp 1 quyển, ngài Chi khiêm dịch vào đời Ngô, là kinh tương đương với phẩm Tịnh hạnh và phẩm Bồ tát thập trụ trong kinh Hoa nghiêm (bản 60 quyển). Hai quyển kinh trên đây đều là kinh biệt sinh của kinh Hoa nghiêm (bản 60 quyển). Xưa nay, các kinh biệt sinh đều không được đưa vào tạng mà chỉ lập mục lục. Trong các bộ kinh lục của Trung quốc, như Pháp kinh lục, Khai nguyên thích giáo lục v.v… đều có liệt kê phần kinh, luật, luận biệt sinh của Đại thừa và Tiểu thừa.[X. Khai nguyên thích giáo lục Q.16; Chúng kinh mục lục Q.2 (ngài Pháp kinh đời Tùy); Tĩnh thái lục Q.3; Trinh nguyên tân định thích giáo mục lục Q.26, Q.27].