biệt phong tương kiến

Phật Quang Đại Từ Điển

(別峰相見) Gặp nhau trên ngọn núi Biệt phong. Tên công án trong Thiền tông. Công án này có xuất xứ từ kinh Hoa nghiêm phẩm Nhập pháp giới đoạn nhân duyên đồng tử Thiện tài gặp tỉ khưu Đức vân ở ngọn núi Biệt phong. Bích nham lục tắc 23 (Đại 48, 164 hạ), chép: Trong kinh nói, ngọn núi Diệu phong cao ngất, tỉ khưu Đức vân trước nay không xuống núi, Thiện tài đến tham vấn, bảy ngày không gặp. Một hôm họ bỗng gặp nhau ở ngọn Biệt phong, gặp rồi Đức vân liền nói cho Thiện tài nghe về pháp môn: Một niệm thấy khắp trí tuệ quang minh của tất cả chư Phật trong ba đời. Đức vân đã không xuống núi, thế tại sao họ gặp nhau ở ngọn Biệt phong?. Tỉ khưu Đức vân không xuống núi là biểu thị Đức vân không rời cảnh giới mầu nhiệm sâu kín của chân như bản lai, là cảnh giới mà đồng tử Thiện tài không thể thấy được. Do đó, sau bảy ngày, Đức vân mới xuống cửa thứ hai, hiện thân trên ngọn Biệt phong, đáp lời thỉnh cầu của Thiện tài mà mở bày pháp môn. [X. kinh Hoa nghiêm phẩm Nhập pháp giới; Tông môn cát đằng tập Tắc 83].