biệt giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(別教) I. Biệt giáo. Một trong bốn giáo hóa pháp: Tạng, Thông, Biệt, Viên do tông Thiên thai thành lập. Biệt giáo tuyên nói ý chỉ trong các kinh Đại thừa riêng cho hàng Bồ tát, như kinh Hoa nghiêm v.v… Riêng đối với hàng Bồ tát, Biệt giáo nói hằng sa lí Tục đế, như dùng đạo chủng trí dứt trừ ba hoặc trần sa, kiến tư, vô minh (Kiến tư , vô minh thuộc ngoài ba cõi), tu các hạnh ba la mật tự hành hóa tha (tu cho mình hóa độ người khác), lập các ngôi Tam hiền, Thập thánh, lấy định vị như kim cương của đạo vô ngại làm nhân, lấy bốn đức Niết bàn (thường lạc ngã tịnh) của đạo giải thoát làm quả. Giáo này không làm lợi ích chung cho hai thừa Thanh văn, Duyên giác, mà chỉ làm lợi ích riêng cho hàng Bồ tát, vì thế gọi là Biệt giáo (giáo pháp riêng biệt). Lại vì nó không chung với hai thừa nên gọi là Bất cộng giáo (giáo pháp không chung). Trong bốn giáo hóa pháp, Biệt giáo là sự giáo thuộc ngoài ba cõi, cho nên tuy rõ thực tướng Trung đạo, nhưng lí Đãn trung không viên dung tương tức, mà cần phải theo thứ lớp tu ba quán Không Giả Trung, theo thứ lớp chiếu lí ba đế, thứ lớp qua 52 giai vị, thứ lớp phá ba hoặc kiến tư, trần sa và vô minh, để thứ tự được ba trí: Nhất thiết trí, Đạo chủng trí và Nhất thiết chủng trí. [X. Quán âm huyền nghĩa Q.hạ; Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.1 phần dưới, Q.2 phần dưới đến Q.5;Tứ niệm xứ Q.3, Q.4; Tứ giáo nghĩa Q.2, Q.3; Thiên thai tứ giáo nghi tập chú Q.hạ; Thiên thai bát giáo đại ý; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng huyết Q.6 phần 4]. (xt. Hóa Pháp Tứ Giáo). II. Biệt giáo. Từ gọi tắt của Biệt giáo nhất thừa do tông Hoa nghiêm thiết lập. Giáo nghĩa Nhất thừa của Hoa nghiêm khác biệt với căn cơ tam thừa, mà chỉ thích hợp với căn cơ Đại thừa viên đốn, vì thế nên gọi là Biệt giáo nhất thừa. (xt. Đồng Biệt Nhị Giáo).