biệt giáo thuyết thính tứ cú

Phật Quang Đại Từ Điển

(別教說聽四句) Bốn câu nói nghe của Biệt giáo. Theo Hoa nghiêm kinh sớ quyển 3, sự nói pháp và nghe pháp của Biệt giáo có thể phối hợp thành bốn câu: 1. Chỉ nói không nghe, nghĩa là chúng sinh toàn ở trong tâm chư Phật, Quả môn thu nhiếp hết thảy pháp không sót, cho nên giáo pháp được nói ra, chỉ có Phật hiển hiện, gọi là chỉ nói không nghe (chỉ có người nói, không có người nghe). 2. Chỉ nghe không nói, nghĩa là Phật toàn ở trong tâm chúng sinh, Nhân môn thu nhiếp hết thảy pháp không sót, cho nên giáo pháp nói ra là tự hiện trong tâm chúng sinh, gọi là chỉ nghe không nói (chỉ có người nghe, không có người nói). 3. Nói, nghe đều hiện hữu, nghĩa là chúng sinh và Phật đều hiện diện, nhân quả dung hợp nhau, Phật nói pháp trong tâm chúng sinh, chúng sinh nghe pháp trong tâm Phật, gọi là nói nghe đều hiện hữu. 4. Nói, nghe đều dứt bặt, nghĩa là chúng sinh toàn ở Phật, thì giống Phật chứ chẳng phải chúng sinh; Phật toàn ở chúng sinh, thì giống chúng sinh chứ chẳng phải Phật. Hai hình tướng thu hút nhau, hai địa vị dung hợp nhau, thì chúng sinh trong tâm Phật không nghe, Phật trong tâm chúng sinh không nói, nên gọi là nói nghe đều dứt bặt.