KINH A DI ĐÀ THIỂN THÍCH
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng Thuật

Việt dịch: Hòa Thượng Thích Minh Cảnh

 

VI. Biệt Giải Văn Nghĩa

Mỗi bộ kinh có thể chia làm ba phần: Phần tựa, Phần chánh tông và phần lưu thông.

Phần tựa là trình bày ý nghĩa đại khái của bộ kinh. Phần chánh tông là giảng nói về sự việc, đạo lý chính đáng của bộ kinh. Phần lưu thông là hy vọng người sau theo đó mà thêm vào cho đầy đủ, và truyền bá rộng ra giống như là giòng nước chảy đến bất cứ chỗ nào.

Phần tựa giống như cái đầu người. Phần chánh tông ví như là thân thể của người, trong thân thể có ngũ tạng lục phủ. Phần lưu thông ví như là hai chân có thể đi đứng hành động.

Phần tựa còn gọi là Tựa trước kinh, vì nó ở phần trước hết của kinh. Còn gọi là Tựa sau kinh. Tại sao gọi là Tựa trước kinh mà còn gọi là Tựa sau kinh? Điều đó có mâu thuẫn không?

– Gọi là Tựa sau kinh, là vì khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng kinh, không có đoạn văn này. Sau đó, khi Tôn giả A Nan và Ca-Diếp kết tập Kinh tạng, thì thêm vào trước lời kinh, gọi là Tựa phát khởi, tức là nhân duyên phát khởi kinh. Còn gọi là Tựa chánh tín, do phần tựa này chứng minh rằng kinh văn là đáng tin cậy.
trong phần Tựa có đủ sáu thứ thành tựu:

Tín thành tựu: Như thị
Văn thành tựu: Ngã văn
Thời thành tựu: Nhất thời
Chủ thành tựu: Phật
Xứ thành tựu: Vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc.
Chúng thành tựu: Một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo tăng.

Kinh điển có sáu thứ thành tựu này mới có thể đáng tin cậy được.