biến tri

Phật Quang Đại Từ Điển

(遍知) Biết khắp tất cả. Phạm: Parijĩà. Vốn chỉ cho trí vô lậu hoàn toàn biết rõ đạo lí bốn đế; nếu người ta biết rõ suốt hết tất cả mọi hiện tượng chung quanh, thì có thể được trí vô lậu. Sau gọi cái trí biết rõ khắp tất cả ấy là Trí biến tri, và lại còn lập riêng Đoạn biến tri, nghĩa là Đoạn biến tri dùng Trí biến tri làm nhân mà đoạn trừ phiền não, lấy Trạch diệt làm thể. Đây là quả biến tri, cũng tức là cái quá trình dùng trí biết rõ khắp hết để đoạn trừ tất cả phiền não gọi là Biến tri, thông thường đặc biệt gọi là Biến tri sở duyên đoạn, ý nói thường tình người ta vốn bám dính chặt vào cảnh sở duyên, nhưng nếu có thể giải thoát khỏi sự bám dính này một cách triệt để, thì đó chính là chân nghĩa biến tri. Bởi thế, kinh A hàm nói Biến tri tức là sự diệt bỏ tham, sân, si, hơn nữa, từ biến tri đầu tiên hàm ý là thực tiễn. Luận Câu xá quyển 21, trong đoạn biến tri, lập ra chín biến tri, là chín loại trí dứt trừ Kiến hoặc và Tư hoặc. [X. luận Phẩm loại túc Q.6; luận A tỳ đạt ma phát trí Q.4; luận Đại tỳ bà sa Q.34, Q.186; Câu xá luận quang kí Q.21]. (xt. Cửu Biến Tri).