biện tài thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(辯才天) Trời Biện tài. Phạm: Sarasvatì-devì. Là thần nữ Văn nghệ của Ấn độ giáo và của Bà la môn giáo ở Ấn độ đời xưa. Dịch âm: Tát ra tát phạt để, Sa la thất phạt để. Cũng gọi Đại biện thiên, Đại biện tài thiên nữ, Đại biện tài công đức thiên, Đại thánh biện tài thiên thần, Diệu âm thiên, Mĩ âm thiên. Gọi tắt là Biện thiên. Trong Lê câu phệ đà, Biện tài thiên là tên một con sông, là tên của vị thần sông, hay trừ sự nhớp nhúa của người, ban cho người sự giàu có, con cháu và lòng dũng cảm. Trong Phạm thư và Ma ha bà la đa, Biện tài thiên là nữ thần ngữ ngôn, tri thức, sau là vợ (hoặc con gái) của Phạm thiên. Cứ theo truyền thuyết, thần này là người đặt ra mẫu tự tiếng Phạm và thể Thiên thành (Deva-nàgari), là người trông coi về thi ca, âm nhạc và là người bảo hộ nghệ thuật và khoa học, cuối cùng trở thành vị nữ thần trí tuệ và hùng biện. Có khi thần nữ này cũng được coi là vợ của thần Visnu, cùng với Cát tường thiên được tin thờ khắp mọi nơi. Sau khi Biện tài thiên được Phật giáo thu dụng, thần này bèn thành là người thủ hộ thụ trì kinh Kim quang minh. Cứ theo kinh Kim quang minh tối thắng vương quyển 7 phẩm Đại biện tài thiên nữ chép, Biện Tài Thiên (Thai Tạng Giới Mạn Đồ La) thì thần này có tám tay, các tay cầm những thứ vũ khí như: cung, tên, dao, dáo, búa, chày, vòng sắt, vòng lụa v.v…Trong viện Ngoại kim cương bộ trên Thai tạng giới mạn đồ la Mật giáo, có tượng vẽ Biện tài thiên đang gảy đàn tì bà. Đàn tì bà là tượng trưng cho thần Biện tài thiên. Chủng tử là (su), hình tam muội da là đàn tì bà, chân ngôn là: Nam ma tam mạn đa bột đà nẫm tát ra sa phạ để duệ sa ha. Tượng thần Biện tài thiên mà hiện nay tín đồ Ấn độ giáo thờ cúng là tượng cỡi chim nhạn (Phạm:haôsa), có bốn tay, tay thứ nhất bên phải cầm hoa, tay thứ hai cầm quyển sách tiếng Phạm, tay trái thứ nhất cầm vòng hoa của trời Đại tự tại, tay thứ hai cầm quả trống nhỏ. Ngoài ra, còn có tượng vẽ vị nữ thần này được Phạm thiên bồng trong tay, hoặc cỡi chim khổng tước (chim công), gảy đàn tì bà, phía trước có người hầu cầm cờ. [X. kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.9 phẩm Quảng đại giải thoát mạn noa la; kinh Đại nhật Q.1 phẩm Cụ duyên, Q.4 phẩm Mật ấn; Đại nhật kinh sớ Q.5, Q.10, Q.14; Kim quang minh tối thắng vương kinh sớ Q.5].