biện tài

Phật Quang Đại Từ Điển

(辯才) Tài biện luận giỏi. Nói tắt là Biện. Tức là khả năng nói các pháp nghĩa một cách khéo léo trôi chảy. Phật và Bồ tát trong nhiều kiếp, nhờ công đức trang nghiêm khẩu nghiệp mà có đủ các loại Biện tài, như Tứ vô ngại biện, Thất biện, Bát biện, Cửu biện v.v…Tứ vô ngại biện gồm: Pháp vô ngại biện (biện luận về pháp trôi chảy không vấp váp), Nghĩa vô ngại biện (biện luận về nghĩa trôi chảy), Từ vô ngại biện (biện luận về lời trôi chảy), Biện vô ngại biện (biện luận về chính cái tài biện luận cũng trôi chảy). Tứ vô ngại biện còn được gọi là Tứ vô ngại giải, Tứ vô ngại trí, nghĩa là trí hiểu biết được tự tại không vấp váp trong khi biện luận. Và trong Tứ vô ngại biện thì Biện vô ngại biện đặc biệt được xem là Trí tự tại vô ngại, biện thuyết chính xác. Phân tích về Biện vô ngại biện thì có bảy thứ: 1. Tiệp tật biện (Biện luận nhanh chóng), nghĩa là giảng nói hết thẩy các pháp một cách trôi chảy không vấp váp (Vô ngại tự tại). 2. Lợi biện (biện luận lưu loát), nghĩa là thâm nhập thông suốt các pháp. 3. Bất tận biện (biện luận không hết), nghĩa là giảng nói thực tướng của các pháp, lời nói không cùng tận. 4. Bất khả đoạn biện (biện luận không thể dứt), nghĩa là giảng nói thao thao, không một nạn vấn nào cắt ngang được. 5. Tùy ứng biện (biện luận theo yêu cầu), nghĩa là tùy yêu cầu của mọi người mà nói pháp. 6. Nghĩa biện (biện luận về nghĩa), tức là có khả năng nói về các sự ích lợi đạt đến niết bàn. 7. Nhất thiết thế gian tối thượng biện (Biện luận về pháp cao hơn hết trong thế gian), nghĩa là có khả năng nói Đại thừa là pháp tột bậc trong thế gian. Bảy biện kể trên hoặc còn gọi là Tiệp biện, Tấn biện, Ứng biện, Vô sơ mậu biện (biện luận không sơ suất lầm lẫn), Vô đoạn tận biện, Phàm sở diễn thuyết phong nghĩa vị biện (bất cứ diễn nói pháp nào ý vị cũng rất phong phú), Nhất thiết thế gian tối thượng diệu biện. Bát biện: chỉ cho tài biện luận có tám đặc điểm như sau: không lắp bắp, nói rõ ràng, không sợ hãi, không kiêu căng, nói đủ nghĩa, nói đủ ý vị, lời nói không vụng về khúc mắc, tùy theo lúc mà biện luận. Cửu biện: chỉ cho tài biện luận có chín đặc điểm sau đây: vô trước, vô tận, tương tục, bất đoạn, bất khiếp nhược, bất kinh bố, bất cộng, thiên nhân sở trọng (được trời và người kính trọng), vô biên biện tài v.v… [X. kinh Đại phẩm bát nhã Q.8; kinh Thắng thiên vương bát nhã Q.1; luận Đại trí độ Q.55].