biên quốc

Phật Quang Đại Từ Điển

(邊國) Chỗ biên thùy xa xôi hẻo lánh, nơi Phật pháp ít thịnh hành. Đối lại với Trung quốc (nơi thành thị đô hội). Ở thời kì đầu truyền bá Phật pháp, vì phải thích ứng với tình hình hoằng pháp, nên về phương diện chế giới, chia thành Trung quốc (nơi Phật pháp đã thịnh hành) và Biên quốc (nơi Phật pháp chưa thịnh hành mấy) để qui định nghi thức truyền giới cụ túc. Trong đó, khu vực Trung quốc, ít nhất phải có mười vị tăng, và khu vực Biên quốc ít nhất phải có năm vị. Nơi biên quốc vốn không có tổ chức giáo đoàn, cho nên số người đủ tư cách trao truyền giới pháp rất có hạn, bởi vậy, thông thường ở trung quốc mười người, thì tại biên quốc chỉ cần năm người là đủ để truyền giới. Qui định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người hâm mộ Phật pháp muốn được xuất gia. Trong các kinh luận có nêu tên những biên quốc thời xưa như: Bôn đồ bạt đạt na, Tốt thổ nô, Ô ba tốt thồ nô, Du na, Đại tần, An tức, An đà la xá bà la (nước ở truồng), Đâu khô la v.v… [X. luật Thập tụng Q.25; Bách nhất yết ma Q.5; luận Đại trí độ Q.25]. (xt. Trung Quốc).