biến hoá

Phật Quang Đại Từ Điển

(變化) I. Biến hóa. Phạm:nirmàịa. Hàm ý là biến hóa ra các loại hình tượng. Cũng gọi Biến hiện, Hóa tác, Hóa hiện, Hóa. Tức là Phật và Bồ tát vì giáo hóa chúng sinh mà dùng sức thần thông biến hóa thành các loại hình tượng. Trong đó, nếu Phật vì sự lợi ích của phàm phu địa tiền mà biến hiện ra thân Phật hoặc thân Bồ tát, thì gọi là thân biến hóa, thân ứng hóa hay là Phật ứng hóa. Nếu vì chúng sinh trong năm đường mà biến hiện ra thân quỉ, súc sinh… thì gọi là thân hóa. Còn vốn không gì cả mà bỗng nhiên có hình Phật, hình Bồ tát, hình người, hình chim… thì gọi là Phật hóa, Bồ tát hóa, người hóa, chim hóa. Lại Phật vì giáo hóa phàm phu mà ứng cơ biến hiện ra các cõi nước trong sạch, nhớp nhúa, thì gọi là cõi biến , cõi hóa. Ngoài ra, tâm hay biến hóa, gọi là tâm hóa, việc được biến hóa ra gọi là việc hóa. Phàm phu hoặc Thánh nhân tu tập định căn bản từ Thiền thứ nhất cho đến Thiền thứ tư, được Thần túc thông (Thần cảnh thông) trong sáu thần thông, lấy đó làm chỗ nương mà biến hóa ra các việc (hiện tượng) ở cõi Dục và cõi Sắc, tâm biến hóa này chỉ phát sinh tác dụng ở cõi mình và cõi dưới; tổng cộng có 14 tâm, gọi là 14 tâm biến hóa, 14 biến hóa, 14 tâm hóa, chia ra như sau: – Ở cõi Thiền thứ nhất có hai tâm: Tâm biến hóa những việc ở cõi Thiền thứ nhất và tâm biến hóa các việc ở cõi Dục. – Ở cõi Thiền thứ hai có ba tâm: ngoài hai tâm vừa kể ở trên, cộng thêm tâm biến hóa các việc ở cõi Thiền thứ hai. – Ở cõi Thiền thứ ba có bốn tâm: ngoài ba tâm vừa nói ở trên, cộng thêm tâm biến hóa các việc ở cõi trời thiền thứ ba. – Ở cõi Thiền thứ tư có năm tâm: ngoài bốn tâm nêu ở trên, cộng thêm tâm biến hóa các việc ở cõi trời Thiền thứ tư. [X. kinh Quán Phật tam muội hải Q.3; kinh Quán vô lượng thọ; luận Câu xá Q.27; Tứ giáo nghi chú Q.thượng phần cuối]. (xt. Cửu Địa). II. Biến hóa. Chỉ cho loài yêu tinh, quỉ quái. Tức các loài ma quỉ ở trong năm đường hoặc sáu đường chúng sinh luân hồi có uy lực biến hóa tự tại và hình tượng ghê sợ.