biến

Phật Quang Đại Từ Điển

(變) I. Biến, Phạm: pariịàma. Từ vật A biến đổi thành vật B, gọi là Biến. Phổ thông gọi là biến thành, biến hóa, biến hiện. Tông Duy thức cho rằng hết thảy hiện tượng tồn tại đều do nơi thức sinh ra, do thức biến hiện, gọi là Duy thức sở biến. Cứ theo Thành duy thức luận thuật ký quển 3 phần đầu nói, thì biến có hai thứ là sinh biến và duyên biến: 1. Sinh biến, tức nhân năng biến (Phạm: hetupariịàma), hàm ý là chuyển biến. Tức là tập khí của hai nhân đẳng lưu và dị thục trong thức A lại da thứ tám có khả năng chuyển biến sinh ra các pháp. 2. Duyên biến, tức là quả năng biến (Phạm:phalapariịàma), hàm ý là biến hiện. Tức do hai thứ tập khí đẳng lưu và dị thục trong thức thứ tám biến hiện ra các thức, rồi lại do tự thể của tám thức (năng biến) biến hiện ra kiến phần và tướng phần (Sở biến), trong đây, tướng phần (ảnh tượng) được gọi là Duyên biến, gồm các thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý biến hiện ra tướng phần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lại nữa, thức thứ tám hay nắm giữ hạt giống và căn thân (thân thể), gọi là chấp biến, hàm ý là nhận giữ cả ba thứ Sinh biến, Duyên biến và Chấp biến và gọi chung là Ba biến. Nhưng các nhà chủ trương thuyết một phần, như ngài An tuệ chẳng hạn, thì chỉ thừa nhận phần tự thể của thức, còn kiến phần, tướng phần tuy tương tự pháp y tha, nhưng thực ra là không có pháp, do đó cho nghĩa chuyển biến là biến hiện hoặc biến khác. Đối với thuyết trên đây, tông Pháp tướng dùng pháp bốn phần của ngài Hộ pháp, cho kiến phần và tướng phần là pháp y tha, cho chuyển biến là nghĩa chuyển đổi, tức cho chủ thể của biến là thức năng biến, có nhân năng biến và quả năng biến; còn tướng phần sở biến của thức năng biến cũng có nhân duyên biến và phân biệt biến khác nhau. [X. luận Thành duy thức Q.1, Q.2, Q.7; Thành duy thức luận thuật kí Q.1 phần đầu, Q.7, phần cuối]. II. Biến, biến tướng. Tức là các bức tranh, dựa theo sự ghi chép trong các kinh, vẽ lại sự tích tiền thân của đức Phật, sự trang nghiêm của Tịnh độ và các tướng trạng địa ngục… (xt. Biến Tướng).