bích quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(壁觀) I. Bích quán. Ý là quay mặt vào vách mà yên lặng quán xét. Thời nhà Lương, tổ Bồ đề đạt ma ở chùa Thiếu lâm tại Tung sơn (núi Tung), quay mặt vào vách chín năm, người đời gọi ngài là Bích quán bà la môn. Cứ theo Cảnh đức truyền đăng lục quyển 3 chép, thì lúc ngài Đạt ma mới đến Kiến nghiệp, cùng với Lương vũ đế đàm đạo, ngài thấy Vũ đế chưa hiểu Phật pháp, nên từ biệt, rồi đến ở chùa Thiếu lâm tại Tung sơn. Suốt ngày, ngài ngồi im lặng quay mặt vào vách, người ta không lường được ý ngài, mới gọi là Bích quán bà la môn, Bích quán Hồ tăng. [X. Ngũ đăng hội nguyên Bồ đề đạt ma chương]. II. Bích quán. Một lòng ngồi thiền quán xét, thân tâm như tường vách, tịch lặng chẳng động, hết thảy vọng tưởng đều dứt bặt. Tức chỉ phép thiền do Sơ tổ Bồ đề đạt ma truyền dạy. Tổ đạt ma chủ trương người ta ai cũng có sẵn tính thật, nhưng vì nhận thức sai lầm, nên cho giả là thật. Nếu người muốn đạt đến chân lí Phật giáo, thì phải tu thiền. Cứ theo Thiếu thất lục môn chép, thì phương pháp tu thiền là (Đại 48, 36 Q.hạ): Quay mặt vào vách, tĩnh lặng quán xét, không mình không người, phàm thánh như một, ngồi yên vững chắc, không đổi không dời, lại không theo văn chữ trong giáo, đây tức là ngầm hợp với lí, không có phân biệt, vắng lặng vô vi. Nói ngầm hợp lí, tức là khế hợp với tính Phật sẵn có của chính mình. Còn quay mặt vào vách, tĩnh lặng quán xét thì chính là phương pháp tu hành để đạt đến mục đích này. Thiền nguyên chư thuyên tập đô tự quyển 2 nói, tổ Đạt ma dùng phương pháp quay mặt vào vách để dạy người ta an tâm, ngoài dứt các duyên, trong tâm không thở, tâm như tường vách, mới vào được đạo. An tâm tức tâm ở yên nơi đạo. Ngoài dứt các duyên tức là hoàn toàn chấm dứt tất cả nhận thức đối với thế giới bên ngoài. Trong tâm không thở có nghĩa là ngay cả hơi thở của mình, mình cũng không cảm thấy nữa. [X. Tục cao tăng truyện Bồ đề đạt ma truyện; Thích môn chính thống Q.8].