bích nham tập

Phật Quang Đại Từ Điển

(碧岩集) Gồm 10 quyển. Ngài Viên ngộ Khắc cần đời Tống biên soạn. Thu vào Đại chính tạng tập 48. Cũng gọi là Bích nham lục, Viên ngộ lão nhân bích nham lục, Viên ngộ Bích nham tập. Gọi đủ là Phật quả viên ngộ thiền sư bích nham lục. Sách này, đầu tiên do ngài Trùng hiển (980-1052) ở núi Tuyết đậu chọn lấy 100 tắc trọng yếu nhất trong số 1.700 tắc công án của Cảnh đức truyền đăng lục, rồi thêm văn tụng vào. Về sau, ngài Viên ngộ Khắc cần (1063-1135) lại thêm phần thùy thị, bình xướng và trứ ngữ v.v… thì sách này mới được hoàn thành. Lúc đó là năm Tuyên hòa thứ 7 (1125). Các Tắc, trước hết là thùy thị (những lời ngắn gọn, sáng sủa nêu rõ điểm chủ yếu), kế đó nêu ra công án chính, tiếp đến là cổ tụng (bài kệ tụng xưa), dưới mỗi câu có thêm trứ ngữ (lời bàn ngắn) và tiểu sử của người nêu ra công án, rồi đến bình xướng (lời giải thích) cơ phong, tự làm tụng và bình xướng tổng quát. Khi ngài Viên ngộ làm lời bình xướng ở viện Linh tuyền trên núi Giáp thuộc châu Lễ, trên tấm biển nơi nhà Phương trượng của ngài, ngài đề hai chữ Bích nham. Hai chữ này có xuất xứ từ câu thơ của Thiền sư Thiện hội – người khai sáng núi Giáp – bày tỏ cảnh giới ngộ đạo của mình như sau: Viên bảo nhi qui thanh chương hậu Điểu hàm hoa lạc Bích nham tiền. (Nghĩa đen: Vượn bồng con về sau non xanh, Chim ngậm hoa rơi trước núi biếc.) Khoảng năm Kiến viêm (1127-1130), đệ tử của ngài Viên ngộ là Thiền sư Đại tuệ Tông cảo, theo đúng tông chỉ truyền riêng ngoài giáo, chẳng lập văn chữ (giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự), đem đốt bộ sách này ở trước mọi người, bởi thế, trong khoảng 200 năm sau đó, trong các tùng lâm, không ai còn được thấy tác phẩm này. Cho mãi đến đời Nguyên, khoảng năm Đại đức (1297-1307), ông Trương minh viễn mới in lại, nó được coi là bộ sách quí nhất của Thiền tông, từ đó mới được thịnh hành trong giới xuất gia và tại gia.