Bích Nham Lục

Từ Điển Đạo Uyển

碧巖錄; C: bíyánlù; J: hekigan-roku;

Tên của tập Công án quan trọng nhất trong Thiền tông song song với Vô
môn quan, được mọi người hâm mộ trong giới thiền gọi là “Tông môn đệ
nhất thư” (宗門第一書). Quyển sách này được biên soạn dưới tay Thiền sư Viên
Ngộ Khắc Cần Phật Quả ở đầu thế kỉ 12 và được truyền lại đến ngày nay
dưới dạng này.

Nhưng nguồn gốc chính của sách này xuất phát từ Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng
Hiển. Sư chọn lựa trong nội điển, ngoại điển và văn sử một trăm tắc
công án và viết thêm vào những câu tụng để hướng dẫn những người hiếu
học, được gọi là Tuyết Ðậu tụng cổ (雪竇頌古). Những lời tụng này là những
tuyệt tác trong thiền ngữ và văn thơ Trung Quốc. Thiền sư Viên Ngộ lấy
trứ tác này làm sườn và bổ sung thêm. Nhìn chung, cấu trúc của mỗi công
án trong Bích nham lục có thể được nêu như sau:

1. Thuỳ thị (垂示; j: suiji), lời dẫn của Thiền sư Viên Ngộ nhằm giúp
thiền sinh hướng tâm về nội dung chính của bản công án; 2. Bản tắc (本則;
j: soku), bản công án chính của Thiền sư Tuyết Ðậu, thỉnh thoảng cũng
được kèm theo lời bình; 3. Trước ngữ (著語; j: jakugo), những câu bình của
Viên Ngộ xen vào công án của Tuyết Ðậu; 4. Bình xướng (評唱; j: hyōshō),
lời bình giải của Viên Ngộ, nêu rõ chi tiết, thời điểm, nguyên do công
án này được hình thành…; 5. Tụng (頌; j: ru), chỉ bài tụng của Tuyết Ðậu
về công án; 6. Trước ngữ của sư Viên Ngộ về bài tụng của Tuyết Ðậu; 7.
Bình xướng của Viên Ngộ về bài tụng của Tuyết Ðậu.

Vì cấu trúc của bản văn có nhiều tầng lớp nên Bích nham lục cũng nổi
danh là một quyển sách cực kì phức tạp trong tất cả các loại thiền ngữ.
Về sau, đồ đệ của Viên Ngộ là Phổ Chiếu biên chép lại để tên là Bích
nham lục – vì tấm bảng trên ngạch trượng thất tại viện Linh Tuyền đề là
Bích Nham.




H 16: Công án thứ 27 trong Bích nham lục: “Một vị tăng hỏi sư Vân Môn
Văn Yển: ›Ðó là thời điểm nào, khi cây cỏ thay màu, khi muôn lá rơi
rụng?‹ Sư đáp: ›Lúc ấy chính là lúc mà ngọn gió vàng hiện bày cái thể
của nó‹ (Thể lộ kim phong)” (bút pháp của Thiện Thuận).

Chính vì tinh hoa và trình độ văn chương quá tuyệt hảo của Bích nham lục
nên nhiều Thiền sư sau này không thích dùng nó chỉ dạy thiền sinh mà
chú trọng quyển Vô môn quan hơn. Khả năng đam mê chữ nghĩa khi đọc Bích
nham lục của những thiền sinh rất lớn và chính đệ tử của Viên Ngộ là
Thiền sư Ðại Huệ Tông Cảo cũng đã nhận thấy điều này. Sư chứng kiến được
cảnh đệ tử chỉ nhớ tụng ngôn cú trong sách làm nhu yếu biện luận tri
giải mà quên lời dạy của những Tổ sư “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập
văn tự.” Vì thế, Sư đem tất cả những bản có sẵn ra đốt sạch và hai trăm
năm sau đó ít ai thấy được quyển sách này. Ðầu thế kỉ 14 có vị Cư sĩ tên
Trương Minh Viễn góp nhặt các bản còn sót mọi nơi, tham khảo bổ túc qua
lại và cũng từ đây Bích nham lục lại được ra mắt độc giả.

Văn hào nổi danh của CHLB Ðức Hermann Hesse viết như sau về Bích nham
lục sau khi đọc bản dịch của giáo sư W. Gundert, xuất bản năm 1960: “Tác
phẩm vĩ đại này là một món quà thượng thặng với những nội dung huyền
diệu mà tôi không thể nào thưởng thức trọn vẹn trong đoạn đời còn lại.
Mà ngay cả một cuộc đời trinh nguyên cũng không đủ để thực hiện điều
này. Những tâm hồn cao cả nhất, sùng đạo nhất của Trung Quốc và Nhật Bản
đã uống nước nơi nguồn này hơn 800 năm nay, nhưng vẫn không uống cạn,
đã nghiên cứu quyển sách này đến tận cùng, nhai đi nhai lại những lời
nói bí ẩn trong đây, nếm được vị ngọt ngào của nó, họ chỉ biết âm thầm
tôn kính mức độ thâm sâu và đáp lại những nét hóm hỉnh của nó với một nụ
cười am hiểu.”