bí mật

Phật Quang Đại Từ Điển

(秘密) Phạm: guhya, Pàli: guyha. Những điều sâu xa ẩn kín mà người ta không thể hiểubiết một cách dễ dàng. Chẳng hạn như sức thần thông của đức Như lai, hoặc như ý kín đáo của Ngài chưa từng nói ra. Nhiếp đại thừa luận bản quyển trung nói, ý của Như lai gồm có bốn thứ bí mật (cũng gọi là Tứ bí mật, Tứ chủng hợp nghĩa, Tứ tiết,Tứ y): 1. Khiến vào bí mật, vì dẫn dắt chúng sinh đi vào trí chân thực, nên trước hết tùy theo cách suy tưởng của thế tục mà giảng nói. 2. Tướng bí mật, vì chỉ bày hết thảy pháp không có tự tính, chẳng sinh chẳng diệt, nên nói ba tính Biến kế sở chấp v.v… 3. Đối trị bí mật, vì đối trị nhiều thứ lỗi lầm mà nói nhiều thứ pháp. 4. Chuyển biến bí mật, ý nghĩa bên trong và sự trình bày bằng ngôn ngữ, văn tự bên ngoài hoàn toàn khác nhau; ý nghĩa chân thực ẩn chứa ở bên trong, không thể diễn tả bằng lời nói. Ngoài ra, Phật giáo còn được chia thành giáo hiển lộ (Hiển giáo) và giáo bi mật (Mật giáo). Còn ngài Trí khải đời Tùy thì chủ trương rằng, khi đức Phật nói pháp, tuy cũng nghe giáo pháp của Phật, nhưng người nghe thì mỗi người hiểu mỗi khác, không ai giống ai, cho nên gọi là bí mật (giáo bí mật trong bốn giáo hóa nghi). [X. kinh Pháp hoa Q.5 phẩm Như lai thọ lượng; luận Đại trí độ Q.4, Q.65; Nhiếp đại thừa luận thích (bản dịch đời Lương) Q.15; Hoa nghiêm kim sư tử chương; Pháp hoa huyền nghĩa thích tiêm Q.2].