Bi ký về công đức cung thỉnh Đại Tạng Kinh của chùa Tịnh Cư ở Tế Nam

(viết thay)

Đại pháp của đức Như Lai lợi ích sâu rộng, về mặt ngầm kín là giúp đạt đến bình trị tột cùng, về mặt hiển nhiên là giữ yên lòng dân, khiến cho dân ngày càng hướng đến điều lành mà chẳng biết nguyên do, chứ không chỉ khiến cho con người đoạn Hoặc chứng Chân nhằm tự hoàn tất chuyện xuất thế mà thôi! Ấy là vì [xét trên] Chân Như Phật tánh thì chúng sanh và Phật đồng thể; ai cũng đều có thể là Nghiêu – Thuấn, ai nấy đều có thể thành Phật, nhưng do còn mê chưa ngộ nên lầm lạc sanh nhiễm trước nơi cảnh duyên sáu trần, khởi tham – sân – si, tạo giết – trộm – dâm, đến nỗi luân chuyển cả kiếp dài lâu, vĩnh viễn không có lúc thoát ra! Đức Như Lai thương xót giảng cho họ lý “Phật tánh sẵn có nơi tâm” và sự “nhân quả ba đời”, dạy họ tu Ngũ Giới, Thập Thiện, Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ, vạn hạnh và “tâm chính là Phật” cũng như đạo “tâm này làm Phật, tâm này là Phật”, ngõ hầu bậc thượng căn hễ vượt thoát liền vào thẳng địa vị Như Lai, bậc trung căn liền tu tập dần dần theo thứ tự để chứng được Bồ Đề, kẻ hạ căn liền gột lòng tẩy ý trở thành hiền thiện. Chúng sanh đông đảo không một ai chẳng được hưởng ân trạch ấy.

Lại vì chúng sanh đời Mạt rất ít kẻ thượng căn, nên [đức Phật] bèn đặc biệt mở ra pháp môn Tịnh Độ để mong dù thánh hay phàm đều cùng được thành tựu đạo nghiệp ngay trong đời này. Pháp môn ấy giản tiện, dễ tu, nhưng lợi ích thù thắng, siêu tuyệt, độc nhất vô nhị trong giáo pháp của suốt một đời đức Phật. Vì thế, tuy là ngu phu ngu phụ mà nếu nương theo lời dạy tu trì thì cũng có thể được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử ngay trong đời này. Do vậy, từ xưa, những vị vĩ nhân có lòng lo cho thế đạo nhân tâm không một ai chẳng đề xướng tu tập, hộ trì, lưu thông.

Cư sĩ Đối Phù trong kiếp xưa đã vâng lãnh lời Phật dặn dò, nương theo bổn nguyện tái sanh trong cõi này, xót cho đạo tràng tại Tế Nam bị chìm lấp, chẳng ngại nhọc nhằn, đặc biệt hưng khởi chùa Tịnh Cư, tất cả nhân duyên đã được ghi chép cặn kẽ trong tấm bia trước (xem trong Tăng Quảng Văn Sao). Lại nghĩ: Tuy đã lập được ngôi chùa, an bài tăng chúng tu tập, nhưng nếu không có Đại Tạng Kinh thì làm sao có thể hiểu trọn vẹn ý cao tột lập ra các pháp của đức Như Lai cũng như biết những điều mình nên tự hành dạy người cho được?

Sự hiểu biết của Diệu Liên giống như kẻ sờ voi, tài chỉ đáng đuổi quạ[1], trước kia được ủy thác trông nom việc chùa đã là người không xứng với chức, nay lại được cử làm Trụ Trì, chẳng thể nào không thấy là quá phận! Nhưng đã không thể nào từ tạ, chỉ đành gắng sức chống chọi, bèn cùng cụ Đối Phù lên kinh đô thỉnh kinh. Tuy đã được chánh phủ cho phép, nhưng tiền giấy lẫn công thợ đều phải tự lo liệu. Nếu không có ba ngàn đồng sẽ chẳng xong việc được! May được huyện trưởng huyện Tân Hà là ông Phan Hoa Trai phát Bồ Đề tâm quyên tặng vừa đúng số tiền ấy. Công đức ấy làm sao diễn tả được? Thỉnh kinh về chùa cũng như các việc xây dựng đều do thiện tín bỏ tiền tán trợ.

Hơn nữa, trước đấy cụ Đối Phù đã quyên mộ lập quỹ Dưỡng Thiệm (養 贍: Quỹ bảo trợ) trong chùa được một vạn ba ngàn đồng. Gần đây, do mọi việc đều tốn kém hơn, cảm thấy rất thiếu hụt. Do vậy, lại quyên mộ bảy ngàn đồng để bù đắp. Lo liệu nhiều năm, nay mới được viên mãn. Công đức của cụ Phù và các đàn tín sẽ tự được Phật, trời chứng giám, khiến cho đều được tiêu tai tăng phước, khi sống sẽ vừa nhân từ vừa cao tuổi thọ, khi mất sẽ sanh vào cõi Cực Lạc. Chỉ mong những người sống trong chùa này, buông xuống thân tâm, chuyên tu Tịnh nghiệp. Hễ rảnh rang bèn lắng lòng nghiên cứu kinh điển trong Đại Tạng, ngõ hầu hiểu rõ giáo lý, biết được tông chỉ tu trì, có căn cứ để tự hành lẫn dạy người.

Làm được như thế thì những hạng tà kiến chẳng tin tưởng sẽ đều sanh lòng chánh tín sâu xa, sẽ kéo nhau tu tập, hộ trì để mong được lưu truyền vĩnh cửu. Pháp không có hưng – suy, hưng – suy do nơi con người. Chỉ mong đại chúng trong hiện tại, vị lai, ai nấy đều gắng sức. Đem công đức này cung chúc “nền tảng nước nhà củng cố, thế đạo thái bình, hưng thịnh, Phật nhật thêm sáng, pháp luân thường chuyển, thuần phong mỹ tục, lễ nghĩa nhân nhượng hưng khởi, can qua vĩnh viễn chấm dứt, dân khỏe mạnh, vật sanh trưởng”, do lòng người chuyển biến nên quyến thuộc cõi trời thường giáng lâm.

***

[1] Khu Ô (đuổi quạ) là danh từ thường dùng để chỉ hàng Sa-di từ bảy đến mười ba tuổi. Do còn bé quá, không làm được gì, chỉ được cắt cử đuổi quạ hay chim chóc đến ăn thóc lúa của chư Tăng phơi phóng. Ở đây dùng với hàm ý khiêm tốn: Diệu Liên chẳng có tài năng gì ra hồn!