Bi ký về ao phóng sanh của Liên Hoa Am tại Thường Thục

(năm Dân Quốc 23 – 1934)

Càn là đại phụ, Khôn là đại mẫu, dân là ruột thịt của ta, loài vật giống như ta, đấy chính là chí hướng chủ yếu “coi dân và loài vật giống như nhau” của nhà Nho, nghiêm cấm gây đọa thai, phá trứng, ắt sẽ khiến cho chim – thú – cá – rùa đều được sống yên vui. Đấy chính là lối cai trị bằng đức hòng thắng tàn bạo, trừ khử giết chóc của bậc thánh vương. Đó là vì đức lớn của trời đất là Sanh, nỗi khổ lớn của người lẫn vật là Giết. Thắng tàn bạo, trừ giết chóc phải từ chuyện nhỏ mà thành lớn, thương người yêu vật phải từ dễ đến khó. Nếu chẳng hàm dưỡng lòng nhân từ, khoan thứ từ cái gốc ắt sẽ đến nỗi bỏ nhỏ lấy lớn, bỏ dễ lấy khó, hằng ngày tàn sát mà cứ lầm lạc muốn yêu người thương vật, ắt chỉ thành chuyện nói xuông, quyết khó thể thực hiện được chuyện ấy!

Vì sao nói thế? Trẻ nhỏ, kẻ bình thường đều có thể thực hiện chuyện yêu thương loài vật thì do làm lâu ngày bụng dạ sẽ đầy ắp nhân từ, mai sau có địa vị, nắm quyền cai trị, sẽ che chở dân đen lớn lao; dẫu ẩn cư trong một làng cũng có thể dùng thân làm gương để thay đổi phong tục. Như vậy thì cái đạo thương dân phải vun bồi từ lòng yêu vật mới có thể viên mãn trọn khắp không điều tệ! Chẳng xuất phát từ lòng yêu thương loài vật thì trong đời này tợ hồ cũng chẳng có chi đáng áy náy, nhưng trong tương lai ắt phải lo nghĩ lớn lao, bởi đã gieo cái nhân tàn sát loài vật sẽ khó thể tránh cái quả tuần hoàn báo đền. Nguyện những ai có lòng thương người hãy suy nghĩ cặn kẽ!

Chuyện phóng sanh vốn nhằm để khơi gợi thiện tâm nơi con người hiện tại và tương lai, ngõ hầu họ sẽ kiêng giết, ăn chay, làm cho khắp các loài hàm thức được sống yên vui, đều trọn hết tuổi thọ. Gần là dứt được cái nhân giết chóc, xa là diệt được sát quả; nhỏ là trọn tấm lòng thuần nhân của ta, lớn là dứt sát kiếp cho cả thế giới. Đừng bảo đấy chẳng phải là chuyện cấp bách, rồi coi thường bỏ qua!

Liên Hoa Am bốn mặt đều là nước, chính giữa nổi lên một bãi bồi, cất am trên ấy, thờ Tây Phương Tam Thánh, chuyên thỉnh vị Tăng có giới đức làm Trụ Trì. Cảnh sắc thanh u, chẳng bén hồng trần, tu trì nghiêm mật, giới đức lan xa, dùng cừ chặn khúc sông trước mặt am làm ao phóng sanh. Từ đời Minh đến nay, thời gian đã lâu xa. Hiện tại có những vị thân sĩ trong ấp như Cù Lương Sĩ, Bàng Đức Siêu v.v… hết sức muốn chỉnh đốn, và muốn làm sáng tỏ ý nghĩa trọng yếu và lợi ích của việc phóng sanh, cậy tôi soạn bài văn để thưa cùng bậc sáng suốt trong mai sau.

Trộm nghĩ: Phóng sanh vốn nhằm để đề xướng kiêng giết ăn chay. Nếu con người ăn chay trọn đời sẽ trở thành không phóng mà hóa ra là phóng sanh lớn lao vậy! Nay sao chép lại bài thơ răn đừng ăn thịt của cư sĩ Hoàng Sơn Cốc để mong mọi người lúc ăn thịt hãy suy nghĩ lại, ắt sẽ chẳng nỡ lòng ăn mà lòng chẳng dám ăn cũng bừng bừng dấy lên! Thơ rằng:

Ngã nhục, chúng sanh nhục,
Danh thù, thể bất thù,
Bổn thị nhất chủng tánh,
Chỉ vi biệt hình khu,
Khổ não tùng tha thụ,
Phì cam vi ngã nhu,
Mạc giao Diêm Quân đoán,
Tự sủy ứng hà như?
(Thịt ta, thịt chúng sanh,
Danh khác, thể vốn đồng,
Vốn cùng một chủng tánh,
Chỉ hình hài khác nhau!
Khổ não chúng hứng chịu,
Béo ngon ta hưởng riêng,
Chớ đợi Diêm La xử
Tự suy sẽ biết mà!)

Bài thơ này ý vị làm sao! Trung hậu, khoan thứ sẽ cách đạo chẳng xa, điều gì chẳng mong người khác làm cho chính mình thì chớ gây cho người khác, đấy chính là đại kinh đại pháp thành thủy thành chung để yêu người thương vật vậy. Do vậy, chẳng cần phải nói cặn kẽ về những nghĩa lý sâu xa nhân quả ba đời, luân hồi sáu nẻo. Nguyện những ai thấy nghe đều suy nghĩ sâu xa.