Bi ký thuật duyên khởi của Tây Phương Điện tại Vô Tích

(năm Dân Quốc 22 – 1933)

Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn đặc biệt trong giáo pháp suốt cả một đời đức Phật, là cội nguồn của các pháp, cả phàm lẫn thánh đều được độ, thích hợp khắp ba căn thượng, trung, hạ; Thiền, Giáo, Luật cùng hướng về một đạo, thực hiện dễ, thành công cao, dùng sức ít nhưng đạt hiệu quả nhanh chóng. Quả thật là con đường tắt cho chúng sanh trong chín pháp giới trở về lẽ chân, thỏa thích bản hoài xuất thế của đức Bổn Sư Thích Ca. Xét từ khi pháp được truyền sang Đông Chấn (Trung Hoa), Viễn công mở Liên Xã đầu tiên, từ đấy những bậc cao nhân chí hâm mộ Tây Phương ai nấy vâng theo tông phong, sự giáo hóa lan khắp cả nước và các nước ngoài. Tuy hơn một ngàn năm qua không lúc nào chẳng có những tình trạng hưng thịnh hay suy vi, trong tâm chúng sanh vẫn thường giữ lòng thành quy hướng.

Huyện Vô Tích chính là cuộc đất thù thắng nơi Thái Bá, Trọng Ung ẩn mình. Tây Phương Điện là đạo tràng cùng tu cả Phật pháp lẫn thế pháp. Nhằm năm Quang Tự 29 (1903) đời Thanh đã có năm vị ưu-bà-di là Cao Siêu Tắc, Tần Học Tây, Triệu Tịnh Chứng, Đằng Tâm Tịnh, Cố Tịnh Minh, hạnh noi theo ba bà Thái[1], chí mong nơi chín phẩm sen, mỗi người bỏ ra một món tịnh tài là năm trăm đồng, tính dựng tinh xá niệm Phật ngoài cửa Tây, [thuộc khu vực đánh số] 22-7 trên bản đồ. Bà Siêu Tắc lại bảo con là Chấn Thục tặng cho [tinh xá] sáu phân năm ly đất nữa để góp thêm vào khoảnh đất do các xã hữu đã chung sức quyên góp tậu được. Bèn dựng đại điện, cửa tam quan, nhà khách, tịnh thất, tổng cộng hơn mười gian, mất ba năm mới xây dựng xong. Phàm tượng Phật, kinh điển, pháp khí trang nghiêm nói chung đều đầy đủ, lại còn định quy ước rõ ràng, ghi chép lại để lưu truyền, vâng giữ. Nếu là hàng phụ nữ quy y Tam Bảo, dốc lòng tu Tịnh nghiệp thì đều có thể tùy hỷ tu trì, đây chính là nơi tiên khởi của liên xã dành cho nữ giới tại Vô Tích vậy.

Thuở đầu, bà Siêu Tắc lòng nhàm chán sanh tử mong mau được liễu thoát, được hai người chú là các tiên sinh Ngưng Phong và Đạo Nam chỉ dạy pháp môn Tịnh Độ, bèn phát tâm kết xã đồng tu Tịnh nghiệp. Lúc ban đầu, lập hội trong Thạch Sư Am; tiếp đó, sáng lập điện này để tự có thể chủ trì được việc này. Tới năm Tuyên Thống thứ hai (1910), bà sắp về Tây, bèn mời khắp các vị hương thân, cao niên, thiện tín hộ pháp đến, giao cho bà Học Tây kế tục đảm nhiệm mọi việc. Nối tiếp bà Học Tây chủ trì đến nay là bà Hiển Trung. Bà Hiển Trung xưa đã gieo huệ căn, hiếu học, chuyên tu, thường nương theo bà Siêu Tắc tu trì tại đây. Gần đây bà lãnh đạo tịnh hữu rất được tiếng khen. Trong điện từ trước đến nay khóa tụng sáng tối, ba thời niệm Phật quy củ nghiêm túc, tu trì tinh tấn, khiến cho kẻ thấy nghe đều sanh lòng chánh tín. Do vậy, [những người] bỏ mê về với ngộ, chuyển tà thành chánh mà chẳng hề hay biết không thể đếm xuể được! Gần đây, liên xã thành lập như rừng, tiếng niệm Phật chở đạo[2] chưa hề [có nơi nào] chẳng phải do điện này phát khởi vậy! Lại ở trước cửa dành ra hai phân năm ly đất, dự tính mai sau sẽ dần dần mở rộng cuộc đất ra.

Hiển Trung do chủ trì đã lâu, bị già – chết bức bách, ý muốn thoái ẩn, hòng chuyên tu Tịnh nghiệp. Do vậy trình bày với Quang về duyên khởi, lai lịch của điện này, cậy tôi viết bài ký. Do vậy, tôi bèn trình bày đại lược sự rộng lớn cao sâu của pháp môn Tịnh Độ, [cũng như] do sự tu trì tinh tấn của mọi người trong điện này nên được thiện tín khâm phục, ngưỡng mộ, hộ trì, nhằm thành tựu đạo tràng thù thắng nhiệm mầu “tu chân ngay trong cõi tục, tự lợi, lợi tha” này, ngõ hầu hết thảy mọi người đều biết “ở ngoài thế giới [giống như] nhà cháy này, vốn có quê hương thanh tịnh yên vui tột bậc”, cùng chuẩn bị tư lương Tín – Hạnh – Nguyện để trở về nhà, mong sao đích thân thấy được bậc cha mẹ đại từ bi là A Di Đà Phật, liền được cùng với Phật chứng vô lượng quang thọ. Nguyện ai nấy gắng sức, nguyện mỗi người hãy gắng công lên! (Tam môn chính là ba môn giải thoát Không, Vô Tướng, Vô Tác, nhưng một môn có đủ cả ba nghĩa giải thoát này vậy)

***

[1] Ba bà Thái chính là Thái Khương (vợ Châu Thái Vương, tức bà nội của Văn Vương), Thái Nhậm (vợ Châu Vương Quý, mẹ vua Văn Vương) và Thái Tự (vợ Châu Văn Vương), ba người đàn bà hiền đức mẫu mực nhất thời cổ.

[2] Nguyên văn “Phật thanh tải đạo”: Dựa theo ý câu “văn dĩ tải đạo” dùng văn chương để chuyển tải đạo lý. Tương tự, tiếng niệm Phật khiến người nghe thức tỉnh, phát khởi thiện căn, mỏng nhẹ phiền não, do vậy, tiếng niệm Phật cũng chuyên chở đạo lý vậy.