bi hoa kinh

Phật Quang Đại Từ Điển

(悲華經) Phạm: Karuịà-puịđarìka-sùtra. Gồm 10 quyển. Ngài Đàm vô sấm (Phạm: Dharmarakwa) dịch vào đời Bắc Lương. Thu vào Đại chính tạng tập 3. Kinh này nói rõ về truyện tiền thân của đức Phật a di đà và Phật Thích ca, dùng phương thức trình bày đối chiếu tư tưởng thành Phật ở cõi Tịnh độ và cõi Uế độ, đặc biệt đề cao lòng đại bi của đức Phật Thích ca ở nơi Uế độ thành Phật. Bộ kinh chia làm 6 phẩm. Phẩm 1 Chuyển pháp luân và phẩm 2 Đà la ni, miêu tả thế giới Liên hoa của đức Liên hoa tôn Như lai (Phạm: Padmottara) tương tự như thế giới cực lạc của đức Phật A di đà. Phẩm Đại thí thứ 3 tường thuật việc bồ tát Tịnh ý (Phạm:Sàntimati) hỏi lý do đức Phật ra đời ở cõi Uế độ. Đức Phật bảo Ngài ra đời ở cõi nước nhơ nhớp là vì lòng đại bi và lời thề nguyền (bản nguyện) ở đời trước, nói nhiều về sự tích vua Vô tránh niệm. Phẩm Chư bồ tát bản thụ ký thứ 4 thuật rõ việc vua Vô tránh niệm, do sự khuyến cáo của đại thần Bảo hải, phát khởi thệ nguyện thành Phật ở cõi Tịnh độ, được đức Bảo tạng Như lai thụ kí sau sẽ thành Phật Vô lượng thọ (Phạm: Amitàyus, Amitàbha, dịch âm A di đà). kế đó, một nghìn người con của vua lần lượt được thụ kí, tên là Quán thế âm, Đắc đại thế chí, Văn thù sư lợi, Phổ hiền, A súc Phật v.v… tám mươi người con của đại thần Bảo hải và 3 ức đệ tử cũng đều phát tâm vô thượng bồ đề và được thụ kí thành Phật ở cõi nước nhơ nhớp. Còn chính đại thần Bảo hải phát khởi năm trăm nguyện lớn, nguyện thành Phật ở cõi đời có năm cái nhơ đục xấu xa. Đức Bảo tạng Như lai thụ kí khi đại thần Bảo hải thành Phật thì có tên là Thích ca mâu ni Như lai, còn gọi Ngài là bồ tát Đại bi. Phẩm đàn ba la mật thứ năm thuật lại những truyện tiền sinh của bồ tát Đại bi, các hạnh tu của Ngài, mà trong đó hạnh bố thí ba la mật là chính yếu. Phẩm nhập định tam muội môn thứ 6 chỉ bày rõ loại tam muội mà đức Phật Thích ca vào định, đồng thời nêu ra mười loại tên kinh. Kinh này hiện có hai loại bản dịch. Ngoài kinh này ra, còn có kinh Đại thừa bi phân đà lợi, gồm 8 quyển 30 phẩm, được dịch vào đời Tần, nhưng đã mất tên người dịch. Cứ theo Xuất tam tạng kí tập quyển 2 nói, thì có thuyết cho kinh này do Hòa thượng Đạo cung dịch vào đời Đông Tấn. Lại cứ theo Khai nguyên thích giáo lục chép, thì kinh này có tất cả bốn bản dịch, đó là: – kinh Nhàn cư 1 quyển, Ngài Trúc pháp hộ đời Tây Tấn dịch ; – kinh Đại thừa bi phân đà lợi, được dịch vào đời Tần, nhưng mất tên dịch giả; – kinh Bi hoa 10 quyển, Ngài Đạo cung đời Bắc Lương dịch. – kinh Bi hoa 10 quyển, Ngài Đàm vô sấm đời Bắc Lương dịch. Ngoài ra, theo Lịch đại tam bảo kỉ quyển 6 Pháp hộ dịch kinh điều chép, thì kinh Nhàn cư có hai bộ 10 quyển và 1 quyển. Kinh một quyển là tách riêng ra từ sinh kinh (cũng do Ngài Pháp hộ dịch), còn kinh 10 quyển thì do bản dịch khác của kinh Bi hoa.Nhưng theo nhận xét của người thời nay, thì sách do Ngài Đạo cung soạn có thể là kinh Đại thừa bi phân đà lợi 8 quyển, còn kinh Nhàn cư 1 quyển đã được sao chép riêng ra từ sinh kinh mà thành, và kinh Nhàn cư 10 quyển cũng không nên coi là bản dịch khác của kinh Bi hoa này. Vả lại kinh Bi hoa này cũng có liên hệ mật thiết với các kinh Tăng nhất a hàm, kinh Vô lượng thọ, kinh A súc phật quốc, kinh Pháp hoa v.v… Năm 1898, ông Das, Bahu Sarat Chandra – học giả Phật giáo Ấn độ – đã ấn hành bản tiếng Phạm của kinh Bi hoa, chia làm 5 phẩm: Chuyển pháp luân, Đà la ni, Khí thí, Bồ tát thụ ki, Bố thí. Vào khoảng thế kỷ thứ IX, các học giả Ấn độ là: Thắng hữu (Phạm: Jinamitra), Thiên chủ giác (Phạm: Surendra-bodhi), Trí tuệ khải (Phạm:Prajiĩà-varman) và viên quan phiên dịch người Tây tạng tên là Trí tuệ quân (Tạng:Ye-ses-sde) v.v… đã cùng dịch kinh Bi hoa này ra tiếng Tây tạng, chia làm 15 quyển, 5 phẩm. Những ghi chép và tường thuật trong bản tiếng Phạm và bản dịch Tây tạng đều giống với kinh Bi hoa. Kinh Bi hoa được lưu truyền rộng rãi ở Trung quốc, những bản kinh sao chép cũng nhiều. Trong Xuất tam tạng kí tập quyển 4 Thất dịch tạp kinh lục và Pháp kinh lục quyển 2 Chúng kinh biệt sinh lục, có liệt kê 19 bộ kinh như: Bảo hải phạm chí thành tựu đại bi v.v… [X. Xuất tam tạng kí tập Q.14; Tĩnh thái lục Q.2, Q.3; Đại chu san định chúng kinh mục lục Q.3; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ Q.3; Khai nguyên thích giáo lục Q.2, Q.4, Q.14; Tịnh độ giáo chi nghiên cứu ; Tịnh độ giáo chi khởi nguyên cập phát đạt (Vọng nguyệt Tín hạnh)].