bệnh hoạn

Phật Quang Đại Từ Điển

(病患) Gọi tắt là bệnh. Bệnh của chúng sinh đều là từ thân hữu lậu do bốn đại tạo thành. Khi một đại không điều hòa, sinh ra 101 bệnh, cả bốn đại không điều hòa thì sinh ra 404 bệnh. Có sáu nguyên nhân gây bệnh: bốn đại mất quân bình, ăn uống không chừng mực, ngồi Thiền không điều độ, quỉ thần xâm nhập, ma thần quấy nhiễu, nghiệp ác nổi dậy. Thân hữu lậu của phàm phu mắc bệnh là bệnh thật. Còn bậc thánh đã thoát khỏi thân hữu lậu, cho nên không có bệnh thật. Bậc thánh vốn không có bệnh, nhưng vì lòng đại bi muốn làm lợi ích cho người khác mà thị hiện có bệnh, gọi là bệnh tạm thời (quyền bệnh). Như lai Thích ca đau lưng, hoặc như bệnh tật của Cư sĩ Duy ma v.v…… Lại tông Thiên thai lấy bệnh hoạn làm một đối cảnh trong Thập thừa quán pháp. Quán tưởng cái tướng thể của bệnh hoạn tức là thực tướng, tức là ba đế ba nghìn. [X. luận Đại trí độ Q.8; Ma ha chỉ quán Q.8 phần dưới; luận Thập trụ tâm Q.1 (Không hải)]. BÊNH KHỔ Phạm:Vyàdhi-duhêkha, Pàli: Vyàdhidukkha. Một trong bốn thứ khổ, một trong tám thứ khổ. Tức là khi chúng sinh bị bệnh thì cả thân tâm đều khổ não. Theo luận Đại tì bà sa quyển 78 nói, thì bệnh hay làm tổn hoại những gì đáng yêu và thỏa thích, nên gọi bệnh khổ. Nguyên nhân phát bệnh là do bốn đại không điều hòa, cũng có thuyết cho rằng, vì bốn đại không điều hòa mà sinh ra 404 bệnh. Cứ theo kinh Ngũ vương nói, thì bốn đại (bốn nguyên tố lớn) là đất, nước, lửa, gió. Khi nguyên tố đất không điều hòa thì thân xác nặng nề; nguyên tố nước không điều hòa thì thân hình phù thũng; nguyên tố lửa không điều hòa thì toàn thân nóng bừng; nguyên tố gió không điều hòa thì thân thể cứng đờ ra. Khắp mình đau nhức như bị người đánh, khí lực hư kiệt, ngồi dậy đi đứng phải nhờ người đỡ; mắt không thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, trong lòng khô não, nói năng rên rỉ, miếng ngon miếng ngọt vào miệng đều đắng; tất cả đều là nỗi khổ lớn. Cứ theo luận Du già sư địa quyển 61 nói, thì bệnh khổ có năm tướng: 1. Thân thể biến hoại dần. 2. Nỗi lo khổ thêm nhiều gấp bội 3. Đối với cảnh vừa ý không ưa thích nữa. 4. Đối với cảnh không vừa ý mình lại phải gắng gượng thụ dùng. 5. Hay khiến gốc mệnh sống của mình mau hoại diệt. Kinh Đại bát niết bàn (bản Bắc) quyển 12 cũng phân biệt thân bệnh và tâm bệnh: thân bệnh do nước, gió, nóng và những nguyên nhân khác gây ra. Còn tâm bệnh thì do hồi hộp, sợ hãi, lo sầu, ngu dại gây ra. [X. kinh Tăng nhất a hàm Q.6; kinh Tu hành bản khởi Q.hạ].