bát y

Phật Quang Đại Từ Điển

(八依) Tám chỗ nương tưạ. Cứ theo luận Du già sư địa quyển 50 Hữu dư y địa 16 trong phần Bản địa chép, thì bát y là: 1. Thi thiết y, thi thiết có nghĩa kiến lập. Tức là người ta nương vào năm uẩn, tạm dùng lời nói, kiến lập ta và chúng sinh, mỗi mỗi khác nhau, nào là loài sống như thế, giòng giống như thế, tên chữ như thế, khổ, vui, sống lâu, chết non như thế v.v… 2. Nhiếp thụ y, nhiếp thụ nghĩa là thu nhận dung chứa. Chỉ cho người nương tựa cha mẹ, vợ con, tôi đòi v.v… Cho đó là chỗ dung chứa mình, vì thế gọi là nhiếp thụ. 3. Trụ trì y, người ta nương vào bốn cách ăn đoạn thực, xúc thực, tư thực, thức thực, để nuôi dưỡng và duy trì các căn, cho nên gọi trụ trì y. 4. Lưu chuyển y, chỉ cho người nương vào bốn tâm thụ, tưởng, hành, thức trong năm uẩn, khởi các nghiệp nhân phiền não, sống chết trôi lăn trong ba cõi, cho nên gọi lưu chuyển y. 5. Chướng ngại y, các thiên ma ngoại đạo, hễ chỗ nào có người tu các pháp lành, thì đến trước người ấy, để gây chướng ngại, vì thế gọi chướng ngại y. 6. Khổ não y, người nương vào cõi Dục, nhận lãnh tất cả nỗi lo khổ, không sinh tâm nhàm chán xa lìa, cho nên gọi là khổ não y. 7. Thích duyệt y, người nương vào các thiền định, dứt bặt suy nghĩ, thân tâm lặng lẽ, được pháp vui mừng, cho nên gọi thích duyệt y. 8. Hậu biên y, chỉ bậc A la hán đã dứt hết hoặc nghiệp trong ba cõi, không còn sinh lại nữa, và thân sau cùng này của ngài an trụ nơi hữu dư Niết bàn, vì thế gọi là Hậu biên y.