bạt xà tử

Phật Quang Đại Từ Điển

(跋闍子) Pàli: Vajjiputta. Cũng gọi Bạt kì tử. Vị tỉ khưu thuộc chủng tộc Bạt kì sống ở thời đại một trăm năm sau đức Phật nhập diệt. Vị này đề xướng mười việc hợp pháp mà đã gây ra sự tranh luận trong giáo đoàn, rồi đưa đến cuộc kết tập lần thứ hai, gọi là Thất bách tập pháp tì ni (bảy trăm vị Trưởng lão kết tập tạng Luật). Cũng có thuyết cho rằng, Bạt xà tử không phải tên của một vị tỉ khưu đặc biệt nào, mà là chỉ chung các tỉ khưu thuộc chủng tộc Bạt kì. Nguyên nhân cuộc tranh luận bắt đầu khi Trưởng lão Ca càn đà tử da xá (Pàli: Kàkaịđaka-putta-yasa) thuộc giáo đoàn phương tây đến thành Tì xá li ở phương đông, thấy các tỉ khưu nhóm Bạt kì tử lấy mười việc làm pháp thanh tịnh, chẳng hạn như dùng bát đồng đựng nước để giữa hội Bố tát, khuyến khích tín đồ tại gia bố thí vàng bạc, rồi chia cho chúng tăng dùng để mua áo và thuốc men v.v… Trưởng lão Da xá cho việc làm ấy là trái phép, nên trong hội Bố tát, Ngài từ chối không nhận vàng bạc do nhóm Bạt kì tử chia cho, đồng thời, cực lực quở trách chúng tăng, và giải thích nghĩa lý cho tín đồ tại gia biết việc làm trái phép ấy. Nhóm Bạt kì tử thì cho rằngTrưởng lão Da xá phỉ báng đại chúng, khiến những người tại gia sinh ngờ, rồi trục xuất ngài Da xá. Ngài Da xá lánh nạn về phương tây, lặn lội nghìn dặm, đi liên lạc với các vị tỉ khưu ở các xứ Ba bà (Pàli: Pàvà), A bán đề (Pàli: Avanti) v.v… rồi cùng nhau đến núi A hô hằng hà (Pàli: Ahogaĩgà) tham yết Trưởng lão Tam phù đà thương na hòa tu (Pàli: Sambhùta-sàịavàsì) để trình bày việc này. Lại đến xứ Tăng già xa (Pàli: Saíkssa) xin ý kiến của vị Trưởng lão nhiều tuổi hạ nhất là ngài Li bà đa (Pàli: Revata) để mong được sự ủng hộ của Ngài. Nhóm Bạt kì tử cũng đến cầu xin sự giúp đỡ của Trưởng lão Li bà đa. Ngài Li bà đa liền đến Tì xá li tập hợp đại chúng để giải quyết việc ấy, nhưng ý kiến của đại chúng phân vân, khó quyết đoán được. Đại chúng lại chia làm hai phe tán thành và phản đối, mỗi phe đều mời các vị Trưởng lão tham dự. Phái Bạt xà tử đề cử các vị Tát bà ca mi (Pàli: Sabbakàmì), Sa lan (Pàli: Sàơha), Phủ xà tôn (Pàli: Khujjasobhita), Bà sa lam (Pàli: Vàsabhagàmika) v.v… làm đại biểu. Phái Da xá thì đề cử các vị Li bà đa, Thương na hòa tu, Da xá, Tu ma na (Pàli: Sumana) v.v…. làm đại biểu. Có bảy trăm người tham dự cuộc họp này, cùng nhau đến vườn Bà lợi ca (Pàli: Vàlikàràma), ngài Li bà đa nêu lên từng việc một trong mười việc để hỏi, ngài Tát bà ca mi lần lượt giải đáp, cuối cùng hội nghị quyết định mười việc mà nhóm Bạt xà tử làm là trái phép. Lịch sử Phật giáo cũng gọi cuộc họp này là Thất bách kết tập (cuộc kết tập gồm bảy trăm người tham dự), Tì xá li thành kết tập. Về nội dung mười việc, trong các luật Ngũ phần quyển 30, luật Tứ phần quyển 54, luật Thập tụng quyển 60, Hữu bộ tì nại da tạp sự quyển 40, Thiện kiến luật tì bà sa quyển 1 và luật điển v.v… đều có ghi chép, song những điều mục mười việc mà các luật nêu ra và giải thích có hơi khác nhau. Chẳng hạn như việc thứ năm trong mười việc, Thiện kiến luật tì bà sa gọi là Tùy ý tịnh trong khi luật Ngũ phần gọi là Cầu thỉnh tịnh, và luật Tứ phần gọi là Hậu thỉnh khả. Nghĩa là: khi chúng tăng thảo luận quyết định việc gì, mặc dầu số người chưa tập họp đầy đủ, nhưng dự tưởng rằng việc ấy sau đó có thể được đại chúng chấp nhận, cho nên có thể cứ tiến hành bàn bạc trước. Hoặc có luật nói rằng, sau khi chúng tăng đã thảo luận mà không tìm ra giải pháp nào khả dĩ quyết đoán công việc, vậy nếu có ai xin được đại chúng chấp nhận, thì người ấy được tùy ý làm việc. Mặc dầu mười việc do nhóm Bạt xà tử đã thực hành có hợp pháp hay không, nhưng điều chắc chắn là chúng đã gây ra cuộc tranh luận trong giáo đoàn. Tuy nhiên, các bộ luật Bắc truyền đều không nói do duyên sự này mà giáo đoàn đã chia rẽ thành Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. [X.kinh Tì ni mẫu Q.4; luật Thập tụng Q.56; luật Ma ha tăng kì Q.33; Đại đường tây vực kí Q.7; Đa la na tha Ấn độ phật giáo sử;Pàli văn luật tạng tiểu phẩm 7; Đảo sử 5; Đại sử 4; W. W.Rockhill: The Life of the Buddha; P. Bigandet: The Life or Legend of Gaudama; Ấn độ chi Phật giáo chương 4 tiết 2 (Ấn thuận)]. (xt. Thập Sự Phi Pháp).