bát tư ba

Phật Quang Đại Từ Điển

(八思巴) (1239-1280) Tên Tây tạng: Chos-rgyal-hphags-pa. Cũng gọi Phát tư bát, Phát hợp tư ba, Bát hợp tư ba, Bạt tư phát, Phạ khắc tư ba. Vị tăng học giả của Lạt ma giáo Tây tạng, là tổ sư đời thứ năm của phái Tát ca. Sư sinh ra trong một giòng họ của phái Tát ca, mười lăm tuổi đã làm thầy truyền giới cho vua Thế tổ nhà Nguyên là Hốt tất liệt, đồng thời, trở thành vị cố vấn về tôn giáo. Năm mười chín tuổi, sư đã dùng quan điểm Phật giáo để phê phán kinh Lão tử hóa hồ và biện luận phá đạo sĩ. Sau, Bát tư ba vào Mông cổ, được Hốt tất liệt tôn làm Quốc sư, thống lĩnh Tổng chế viện, quản lí Phật giáo toàn quốc và công việc của địa khu Tây tạng, nghiễm nhiên trở thành vị lãnh đạo Phật giáo Trung quốc. Sư lại được giao sứ mệnh sáng chế văn tự Mông cổ. Sư lấy chữ Tây tạng làm nền tảng để đặt ra chữ Mông cổ, tức là văn Bát tư ba, vua ban hiệu cho sư là Đại bảo pháp vương. Sư từng giảng luận Chương sở tri 2 quyển (bản Hán dịch hiện còn) cho Thái tử Chân kim nghe. Năm Chí nguyên 13 (1276), sư trở về Tây tạng, mở ra pháp hội khúc di, tự giữ ngôi Pháp vương đời thứ nhất của chùa Tát ca. Các tác phẩm soạn thuật của sư gồm hơn 30 loại, trong đó, Tát ca ngũ tổ tập được lưu truyền rất rộng. Sư còn xúc tiến việc giao lưu văn hóa giữa Trung quốc và Tây tạng, như đem kĩ thuật ấn loát, nghệ thuật hí kịch truyền vào Tây tạng, đem kĩ xảo kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc của Tây tạng truyền đến Trung quốc. Do đó, sau thời đại Bát tư ba, nhà Nguyên mới có sự qua lại mật thiết với phái Tát ca. Đệ tử của sư là Đảm ba (Tạng: Dampa, 1230-1303), lúc làm quan dưới thời Hốt tất liệt và Nguyên thành tông, đã hết sức chấn hưng Phật giáo. [X. Phật tổ thống kỉ Q.48; Nguyên sử liệt truyện 89]