bát tổ tương thừa

Phật Quang Đại Từ Điển

(八祖相承) I. Bát tổ tương thừa. Tám tổ nối nhau. Thuyết này do tông Tịnh độ Nhật bản lập. Trong Tịnh độ chân tông phó pháp truyện, Kiến thánh cảnh đã dựa theo những sách luận của các ngài Mã minh, Long thụ, Thiên thân, Bồ đề lưu chi, Đàm loan, Đạo xước, Thiện đạo và Nguyên không nói về Tịnh độ, mà lập thành hệ thống Bát tổ tương thừa.1. Ngài Mã minh soạn luận Đại thừa khởi tín, kiến lập phương tiện sinh về Tịnh độ không trở lui. 2. Ngài Long thụ soạn luận Đại trí độ, trình bày rõ nghĩa sự tướng cõi Tịnh độ của PhậtA di đà; và trong luận Thập trụ tì bà sa phẩm Dị hành, ngài chia rõ hai đường tu hành dễ và khó, rồi lại định ra mười hai cách thức lễ bái để cầu sinh về nơi an dưỡng. 3. Ngài Thiên thân soạn Vô lượng thọ kinh ưu ba đề xá (cũng gọi luận Vô lượng thọ) nói rõ về hành nghiệp vãng sinh. 4. Bồ đề lưu chi dịch nhiều kinh luận, trong số đó có luận Vô lượng thọ. Ngài Lưu chi đem pháp trường sinh bất tử là kinh Quán vô lượng thọ trao cho ngài Đàm loan. 5. Ngài Đàm loan chú giải luận Vãng sinh, soạn Di đà kệ phụng tán đại kinh (kinh Vô lượng thọ bản 2 quyển) và An lạc độ nghĩa nói rõ về tướng Tịnh độ, và lại dựa theo thuyết khó làm, dễ làm của bồ tát Long thụ mà nói rõ tự lực khó làm, tha lực dễ làm, rồi ra sức khuyên mọi người cầu sinh về Tịnh độ. 6. Ngài Đạo xước vốn chuộng kinh Niết bàn, mở rộng tông chỉ Phật tính, giảng kinh Niết bàn hai mươi bốn lần, vào sâu nơi huyền nhiệm, kiêm việc truyền bá Tịnh độ, soạn An lạc tập. 7. Ngài Thiện đạo yết kiến ngài Đạo xước, nhận lãnh kinh Quán vô lượng thọ, rồi soạn Quán kinh sớ định rõ khuôn phép xưa nay, còn định các nghi thức tu niệm để cầu vãng sinh, như Pháp sự tán, Vãng sinh lễ tán, Quán niệm pháp môn, Ban chu tán v.v… 8. Ngài Nguyên không đọc Quán kinh sớ thâm tâm thích của ngài Thiện đạo, thình lình tỉnh ngộ về bản nguyện của đức Phật A di đà, bèn chuyên tu niệm Phật, chép Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập 1 quyển, thành lập tông Tịnh độ giáo rất thịnh hành ở Nhật bản. II. Bát tổ tương thừa. Thuyết này do tông Chân ngôn của Nhật bản lập. Lấy đức Đại nhật Như lai, bồ tát Kim cương tát đỏa và các ngài Long mãnh, Long trí, Kim cương trí, Bất không, Huệ quả, Không hải v.v… làm Phó pháp bát tổ (tám tổ trao phó pháp cho nhau). Trong tám tổ trên đây, trừ đức Đại nhật Như lai, bồ tát Kim cương tát đỏa ra, thêm hai ngài Thiện vô úy và Nhất hạnh vào, thì thành là Truyền trì bát tổ (tám tổ truyền nối nhau mà giữ gìn). Sự truyền nối huyết mạch của hai bộ một đôi này, gọi là Đẳng diệp. Ngoài ra, còn có người cho thuyết hai bộ truyền riêng, thuyết ba bộ truyền thừa, chỉ có Kim cương giới thì thêm ngài Văn thù vào giữa Kim cương tát đỏa và Long mãnh là có khác. Thai tạng giới thì bỏ Long mãnh mà thêm Huyền siêu, và cho ba ngài Kim cương trí, Bất không và Nhất hạnh là bàng hệ (không phải hệ phái chính). Thuyết ba bộ truyền ba có hai loại: ngài Tối trừng lập ba bộ Kim cương giới, Thai tạng giới và Tạp bộ. Ngài Viên nhân lập ba bộ Kim cương giới, Thai tạng giới và Tô tất địa pháp. (có biểu đồ)