bất tịnh quán

Phật Quang Đại Từ Điển

(不淨觀) Phạm: A-zubhà-smfti, Pàli: asubhànu-passin. Cũng gọi Bất tịnh tưởng. Một trong Ngũ đình tâm quán. Tức là phép quán tưởng cái xác thịt của mình của người nhớp nhúa, bẩn thỉu, hôi thối để đối trị phiền não tham dục. Xác chết của người ta theo thời gian biến hóa làm hình dáng xấu xí, cho nên trong các kinh điển có nêu ra nhiều phép quán tưởng về xác chết bất tịnh để khắc phục lòng tham muốn như sau: 1. Cứ theo Thiền pháp yếu giải quyển thượng nói, nếu người nhiều dâm dục, nên tu tập hai phép quán bất tịnh là: a. Quán tưởng xác chết thối rữa nhơ nhớp, rồi giữ lấy hình tướng thối rữa ấy trong tâm tưởng, đến chỗ vắng vẽ tự tu phép quán này. b. Tuy mắt không thấy xác chết, nhưng theo pháp của thầy dạy bảo mà nhớ tưởng phân biệt, tự quán khắp trong thân mình đầy dẫy 36 thứ bất tịnh, như: tóc, lông, nước mũi, nước mắt, mồ hôi, cáu ghét, đờm, dãi v..v… Sách trên còn nêu ra phương pháp tu Bất tịnh quán để đối trị lòng tham đắm của chúng sinh đối với sáu thứ: sắc đẹp, dáng vẻ, cách đi đứng, giọng nói, sự mịn màng; thì cần phải quán ố yếm bất tịnh. Đối với người mê đắm tướng người, thì khiến quán tưởng tướng xương trắng. Lại quán tưởng xác chết còn nguyên vẹn, bất động, thì có thể dứt trừ hai thứ tham đắm dáng đi đứng và giọng nói; còn quán tưởng xác chết đã rữa nát, thì đoạn trứ tất cả sáu thứ tham đắm. 2. Cứ theo luận Đại tì bà sa quyển 40 nói, tùy theo ý thích của người tu quán mà có thích ít, thích nhiều, thích trung bình khác nhau, mà phép quán cũng được chia làm ba thứ, mỗi thứ chỉ rõ ba giai đoạn: giai đoạn mới tu tập, giai đoạn tu đã thuần thục và giai đoạn vượt lên trên sự tác ý, cùng với thứ tự tu quán. Hãy lấy giai đoạn mới tu tập làm điển hình. a. Giai đoạn mới tu tập. Trước hết, đi đến nơi nghĩa địa quán xét tướng bầm xanh của xác chết, rồi dùng sức hiểu biết thù thắng ấy quán sang thân mình, tức quán tưởng thân mình từ trạng thái bầm xanh cho đến còn trơ bộ xương. Trong bộ xương trơ này, hành giả theo thứ tự quán tưởng: xương bàn chân, xương mắt cá, xương ống chân, xương đầu gối, xương đùi, xương chậu, xương cùng, xương sống, xương sườn, xương bả vai, xương cánh tay, xương khuỷu tay, xương cổ tay, xương bàn tay, xương vai, xương cổ, xương hàm răng, xương sọ v.v… b. Giai đoạn tu đã thành thục. Trong bộ xương trơ, trước quán tưởng bàn chân, xương mắt cá chân v.v… cho đến sau quán xương sọ, rồi trong đó lại bỏ một nửa quán một nửa, lại bỏ một phần quán một phần. c. Giai đoạn tu vượt lên trên sự tác ý, sau khi dùng sức hiểu biết thù thắng xem xét tướng bất tịnh như thế rồi, buộc niệm vào ở chặng giữa chân mày, ngồi yên lặng lẽ, chuyển niệm ấy vào thân niệm trụ, tuần tự cho đến vào pháp niệm trụ. 3. Cứ theo luận Câu xá quyển 22 nói, thì tu Bất tịnh quán có thể đối trị bốn thứ tham; Hiển sắc tham, Hình sắc tham, Diệu xúc tham và Cung phụng tham. a. Quán các tướng xác chết bầm xanh v.v…, có thể đối trị Hiển sắc tham. b. Quán các tướng xác chết sình thối bị thú ăn, chim mổ v.v…, có thể đối trị cái tham về Hình sắc. c. Quán tưởng xác chết bị dòi bọ rúc rỉa v.v…, để đối trị cái tham về sự mịn màng êm ái. d. Quán tưởng xác chết cứng đờ để đối trị lòng muốn được cung phụng. 4. Cứ theo Đại thừa nghĩa chương quyển 12, quyển 13, thì Bất tịnh quán được chia làm 2 phần: a. Quán thân người bất tịnh để chán thân người. b. Quán thân mình bất tịnh để chán thân mình. Phần a: Quán thân người có chín tướng là :1. Tướng chết. 2. Tướng chương sình lên. 3. Tướng bầm tím. 4. Tướng mủ rịn ra. 5. Tướng rữa nát. 6. Tướng máu bê bết. 7. Tướng trùng ăn. 8. Tướng bộ xương. 9. Tướng xương vương vãi. Trong luận Đại trí độ thì thiếu tướng chết, nhưng thêm tướng cháy sém. Phần b: quán trong thân mình có năm thứ bất tịnh là: 1. Hạt giống bất tịnh, thân thể do nhân duyên hình thành; các hạt giống bên trong (phiền não, nghiệp), bên ngoài (tinh huyết của cha mẹ) đều bất tịnh. 2. Chỗ ở bất tịnh, mười tháng ở trong thai bất tịnh. 3. Tự thể bất tịnh, thân này do bốn nguyên tố (đất nước lửa gió) bất tịnh tạo thành. 4. Tướng bên ngoài bất tịnh, thân hình có chín lỗ thường tiết ra những thứ hôi thối. 5. Rốt ráo bất tịnh, sau khi chết đem chôn xuống đất, rữa nát, mãi mãi bất tịnh. Sách Đại thừa nghĩa chương còn nói, sắc tham của người ta có hai thứ: 1- Yêu thân mình, có thể quán xét năm thứ bất tịnh để đối trị. 2- Yêu thân người, có thể quán xét chín tướng để đối trị. Trong đó, yêu thân người có bốn thứ tham muốn: a. Tham muốn cách đi đứng, có thể quán tướng chết trong chín tướng để đối trị. b. Tham muốn hình dáng, có thể quán xét ba tướng: bầm xanh, rữa nát, máu mủ bê bết để đối trị. c. Tham muốn nơi chỗ, có thể quán bốn tướng: chương sình, rữa nát, trùng ăn, tan rã để đối trị. d. Tham muốn xúc chạm, có thể quán tưởng bộ xương để đối trị. Từ chín tướng của xác chết người ta, như đã trình bày ở trên, mà nảy sinh chín thứ quán tưởng, cho nên cũng gọi là Cửu tưởng. Phật giáo Nam truyền thì cho có mười thứ quán tưởng, gọi là Thập bất tịnh. Ngoài ra, Thiên thai tứ giáo nghi tập chú cũng nêu bảy thứ bất tịnh: Chủng tử bất tịnh, Thụ sinh bất tịnh, Trụ xứ bất tịnh, Thực đạm bất tịnh, Sơ sinh bất tịnh, Cử (toàn) thể bất tịnh và Cứu kính bất tịnh. Bất tịnh quán và Sổ tức quán (quán đếm hơi thở) được gọi chung là hai cửa cam lộ vào đạo. Bất tịnh quán lấy căn lành không tham làm tự tính. Trong ba cõi, duyên theo hai cõi Dục và Sắc suốt trong mười nơi (cõi Dục, Thiền trung gian, Tứ thiền, Tứ cận phần); người tu quán lấy mười nơi này làm chỗ nương và dùng thân sở y ở cõi Dục mà bắt đầu. Bất tịnh quán tương ứng với Thắng giải tác ý, đây tức là hữu lậu quán, tương đương với vị Thân niệm trụ trong bốn niệm trụ. Lại trong tám Giải thoát và tám Thắng xứ, Bất tịnh quán được dùng làm phép quán của Sơ thiền và Nhị thiền. [X. Trung a hàm Q.2 kinh Lậu tận, Q.28 kinh Chư pháp bản; kinh Tăng nhất a hàm Q.5; kinh Đại bát Niết bàn (bản Bắc) Q.36; kinh Tọa thiền tam muội Q.thượng; kinh Quảng nghĩa pháp môn; kinh Đại phẩm bát nhã Q.1; luận Đại trí độ Q.19, Q.21]. (xt. Thất Chủng Bất Tịnh, Cửu Tưởng).