bát thức duyên cảnh quảng hiệp

Phật Quang Đại Từ Điển

(八識緣境廣狹) Tám thức duyên cảnh rộng hẹp. Tám thức do tông Duy thức thành lập, các cảnh (đối tượng) mà tám thức duyên theo có rộng, hẹp khác nhau: 1. Thức mắt, duyên theo cảnh duy thực duy lượng, nghĩa là khi mắt thấy sắc, thì liền có thức sinh, duyên theo sắc có thực như xanh, vàng, đỏ, trắng, gọi là tính cảnh (cảnh có thực hiện thấy ở trước). Thức này đối cảnh, gọi là hiện lượng (thấy sắc hiện trước mà hay đo lường). Vì mắt chỉ thấy sắc, chưa khởi phân biệt, nên cảnh được duyên theo hẹp. 2. Thức tai, duyên theo cảnh duy thực duy lượng, nghĩa là khi tai nghe tiếng thì liền có thức sinh, hay nghe tiếng nói có thực, gọi là tính cảnh. Thức này đối cảnh gọi là hiện lượng. Vì tai chỉ nghe tiếng, chưa khởi phân biệt, nên cảnh được duyên theo hẹp. 3. Thức mũi, duyên cảnh duy thực duy lượng, nghĩa là khi mũi ngửi mùi, thì liền có thức sinh, ngửi mùi có thật, như thơm hôi, gọi là tính cảnh. Thức này đối cảnh, gọi là hiện lượng. Vì nó chỉ ngửi mùi, chưa khởi phân biệt, nên cảnh được duyên theo hẹp. 4. Thức lưỡi, duyên cảnh duy thực duy lượng, nghĩa là khi lưỡi nếm vị thì liền có thức sinh, nếm vị có thật như mặn, chua, đắng, lạt, gọi là tính cảnh. Thức này đối cảnh, gọi là hiện lượng. Vì nó chỉ nếm vị, chưa khởi phân biệt, nên cảnh được duyên theo hẹp. 5. Thức thân, duyên cảnh duy thực duy lượng, nghĩa là khi thân chạm biết, liền có thức sinh, duyên sự va chạm có thật, như trơn, mịn, ráp, cứng v.v…, gọi là tính cảnh. Cái mà thức này duyên theo, được gọi là hiện lượng. Vì nó chỉ mới chạm biết, chưa khởi phân biệt, nên cảnh được duyên theo hẹp. 6. Thức ý, duyên khắp tất cả, thông suốt hai lượng giả và thật. Nghĩa là tâm thức này duyên khắp cảnh hiện trước có thật, rồi trên những cảnh thật ấy, phân biệt tướng dài, ngắn, vuông, tròn v.v… gọi là giả. Thức này đều duyên theo ba cảnh (tính cảnh, độc ảnh cảnh, đới chất cảnh) và đủ cả ba lượng (hiện lượng, tỉ lượng, phi lượng). Vì thức này có thể phân biệt khắp các cảnh giả thật, cho nên cảnh được duyên theo rộng. 7. Thức thứ bảy, kiến phần duy giả duy thực. Nghĩa là thức này không phân biệt thể tướng, nương vào thức thứ tám mà dấy sinh, lại duyên kiến phần của thức thứ tám mà làm tướng phần, phân biệt tính lường, thường bám lấy thức thứ tám làm ta, tâm hay duyên theo là giả, cảnh được duyên theo là thật. Vì thức này chỉ khởi ngã chấp, sinh các tập khi, không thể duyên khắp các cảnh, nên cảnh được duyên theo rất hẹp. 8. Thức thứ tám, duyên theo căn thân, khí giới duy thực duy lượng. Căn thân, tức là các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân v.v…; Khí giới, là giới đồ dùng, tức thế giới giống như đồ dùng để chứa đựng. Nghĩa là thức căn bản này chứa đựng hết thảy hạt giống của các pháp nhơ, sạch, tất cả căn thân khí giới đều nương vào thức này mà dấy sinh. Thân căn và khí giới này là tướng phần của tám thức, là đối tượng (cảnh) để tám thức duyên theo, là lượng hiện trước có thật, cho nên cảnh được duyên theo rất rộng.