bát thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(八識) Tám thức. Phạm: aṣṭau vijñānāni. Tám thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mạt na, a lại da thuộc tâm pháp trong năm vị pháp của hành phái Du già và tông Pháp tướng. Trong đây, sáu thức mắt, tai v.v… là theo căn mà đặt tên; thức a lại da dựa vào nghĩa thu giữ nhân quả của các pháp, cũng tức là theo tự tính của nó mà đặt tên. Hoặc gọi năm thức mắt, tai v.v… là năm thức trước, thức ý là thức thứ sáu, thức mạt na là thức thứ bảy, thức a lại da là thức thứ tám. Lại nữa, từ thức mắt đến thức mạt na đều do thức a lại da sinh ra và chuyển đổi, nên được gọi chung là chuyển thức hoặc bảy chuyển thức, vì thức a lại da là nhân của bảy chuyển thức nên gọi là thức gốc (căn bản thức), thức hạt giống (chủng tử thức). Lại có thuyết chia tám thức làm ba thức năng biến: thức a lại da gọi là năng biến thứ nhất, thức mạt na là năng biến thứ hai, sáu thức đầu là năng biến thứ ba. Nếu đứng về phương diện tính của tám thức mà nói, thì tính của sáu thức đầu là phân biệt các pháp một cách rõ ràng, duyên theo sáu đối tượng (cảnh) sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, và có đủ cả ba tính thiện, ác, vô ký (không thiện không ác); tính của thức mạt na là thường xét nét suy nghĩ, là tính hữu phú vô ký (tính vô ký hay che lấp tâm tính), chỉ duyên theo kiến phần của thức a lại da làm nội ngã (cái ta ở bên trong) của mình; tính của thức a lại da là vô phú vô ký (tính vô ký không che lấp tâm tính), vì hành tướng của nó nhỏ nhiệm duyên với khí thế giới (thế giới vật lý), chủng tử, và căn thân do chính nó biến ra. Các nhà Địa luận chủ trương a đà na (thức mạt na) là thức mê vọng, a lại da là thức chân thực. Các nhà Nhiếp luận thì cho a lại da là thức mê vọng, rồi lập riêng thức thứ chín gọi là vô cấu tịnh thức (thức trong sạch không cáu bẩn). Các nhà Duy thức thì bảo chỉ có tám loại thức mà thôi, và các thức này đều là tính y tha khởi, tức chẳng phải là thức chân thường trong sạch. [X. kinh Nhập lăng già Q.8 phẩm Sát na; luận Thành duy thức Q.7; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.1 phần cuối].