bất thoái

Phật Quang Đại Từ Điển

(不退) Không lùi. Phạm: avinivartanìya. Dịch âm: A duy việt trí, A bệ bạt trí. Cũng gọi Bất thoái chuyển, Vô thoái, Tất định. Thoái, hàm ý là lui bước, lui rơi, chỉ cho sự lui bước mà rơi vào đường ác và vào Địa vị Nhị thừa (Thanh văn, Duyên giác); tức lui khỏi địa vị Bồ tát đã chứng được và đánh mất pháp đã ngộ được. Trái lại, tu hành không trở lui, mạnh mẽ tiến bước, cho đến khi thành quả Phật, thì gọi là Bất thoái. Bất thoái vị cũng gọi là Bất thoái chuyển địa. Trong giai vị bốn thiện căn của Hữu bộ; đến được vị Nhẫn rồi thì không còn trở lui mà rơi vào đường ác nữa, cho nên gọi là Bất thoái. Kinh Đại bát nhã quyển 449 nói, vào ngôi Kiến đạo được vô sinh pháp nhẫn, thì không còn rơi vào Nhị thừa địa, nên được gọi là Bất thoái. Lại nữa, trong giai vị Bồ tát, trụ thứ bảy trong mười trụ, gọi là Bất thoái chuyển trụ, do đó đã sản sinh ra các thuyềt về Bất thoái như sau: 1. Tam bất thoái, là thuyết của ngài Cát tạng trong Pháp hoa nghĩa sớ quyển 1. Có bốn thuyết giải thích về Tam bất thoái, nhưng ở đây chỉ lấy thuyết thứ nhất: a) Vị bất thoái, trong mười trụ, Bồ tát từ trụ thứ bảy trở lên không còn lui trở lại Nhị thừa địa. b) Hạnh bất thoái, việc tu hành mà Bồ tát đạt được ở địa vị thứ bảy trong mười địa, không còn trở lui. c) Niệm bất thoái, Bồ tát từ địa thứ tám trở lên không cần ghi nhớ tinh tiến, tự nhiên có thể tiến đạo mà không động niệm. 2. Tứ bất thoái, tức là Tam bất thoái ở trên cộng thêm Xứ bất thoái (sinh về tịnh độ của Phật A di đà, không trở lui), thành Tứ bất thoái. Đây là thuyết của ngài Ca tài trong luận Tịnh độ quyển thượng. Ngoài ra, trong Pháp hoa huyền tán quyển 2, ngài Khuy cơ cũng lập Tứ bất thoái: a) Tín bất thoái, trong giai vị mười tín, Bồ tát tâm thứ sáu trở lên không còn khởi tà kiến. b) Vị bất thoái, trong giai vị mười trụ, Bồ tát ở trụ thứ bảy trở lên, không còn trở lui lại Nhị thừa địa. c) Chứng bất thoái, pháp của Bồ tát từ Sơ địa trở lên, không còn lui mất. d) Hạnh bất thoái, Bồ tát địa thứ tám trở lên, có thể tu hạnh hữu vi và vô vi mà không trở lui lại. Trong luận Thích tịnh độ quần nghi quyển 4 của ngài Hoài cảm cũng có thuyết Tứ bất thoái ở trên. Trong A di đà kinh yếu giải, ngài Trí húc nêu ra thuyết Tứ bất thoái: Niệm, Hạnh,Vị, Tất kính. Còn trong Tứ độ đồ thuyết của ngài Từ ân thì có thuyết Tứ Bất thoái: Nguyện, Hành, Trí, Vị v.v… (xt. Tứ Bất Thoái). 3. Ngũ bất thoái, bốn bất thoái Tín, Vị, Chứng, Hành, cộng thêm Phiền não bất thoái (Bồ tát ở vị Đẳng giác không còn bị phiền não làm trở lui) mà thành Ngũ bất thoái. [X. kinh Đại bảo tích Q.27, Q.77, Q.111; kinh Đại bát niết bàn (bản Bắc) Q.28; Di lặc bồ tát sở vấn kinh luận Q.1; Nhiếp đại thừa luận thích Q.8; luận Đại tì bà sa Q.6; luận Câu xá Q.23; luận Thập trụ tì bà sa Q.5 phẩm Dị hành].